Cẩn trọng vé máy bay giả dịp Tết

Cứ đến cận Tết Nguyên đán, các chiêu trò lừa đảo người tiêu dùng, trong đó có thủ đoạn lừa mua vé máy bay rởm để chiếm đoạt tài sản “phát triển” mạnh. Để không mất tiền oan và không bị mua lầm những chiếc vé khống hay dính phải các chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu, người tiêu dùng cần đề cao cảnh giác.
Công an quận Hà Đông (Hà Nội) bắt quả tang 21 đối tượng đang sử dụng máy tính có kết nối Internet thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng. 	Ảnh: CAQ Hà Đông
Công an quận Hà Đông (Hà Nội) bắt quả tang 21 đối tượng đang sử dụng máy tính có kết nối Internet thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: CAQ Hà Đông

Cái bẫy tinh vi dưới tên gọi “chiết khấu cao”

Theo khuyến cáo của Bộ Công an, cách thức các đối tượng lừa đảo sử dụng là tạo lập fanpage giả mạo, đăng bài quảng cáo để thu hút sự chú ý của người dùng. Để tạo lòng tin, các đối tượng đồng phạm còn giả làm khách đặt mua vé máy bay và tự tạo giao dịch thành công.

Ngay sau khi người bị hại chuyển tiền, đối tượng lập tức chặn, xóa toàn bộ dấu vết các tài khoản đã sử dụng liên hệ. Mặt khác việc các tài khoản giả mạo đưa ra các mức giá rẻ để thu hút người tiêu dùng sập bẫy lừa đảo cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị lữ hành chân chính.

Mới đây, trong đợt thực hiện kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp Tết Nguyên đán 2024, CA quận Hà Đông (Hà Nội) đã phát hiện đối tượng Bùi Mạnh Cường (SN 1996, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông) cùng Nguyễn Đức Tùng (SN 1993, trú tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông) thuê 13 người có chuyên môn về tin học thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với phương thức thủ đoạn mới, rất tinh vi là mua hàng nghìn tài khoản Facebook “ảo” giao cho các trưởng nhóm quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, đăng bài cần tuyển dụng cộng tác viên bán vé máy bay toàn quốc với mức chiết khấu cao (20% tiền vé).

Khi có “con mồi” liên hệ, các đối tượng sẽ hướng dẫn họ làm theo yêu cầu đăng bài trên Facebook với nội dung bán vé máy bay giá rẻ. Để tạo lòng tin cho “con mồi”, sẽ có các đối tượng “chim mồi” giả làm khách đặt mua vé máy bay và tự tạo giao dịch thành công. Khi người bị hại chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng thì chúng chặn Facebook, xóa toàn bộ dấu vết, các tài khoản đã sử dụng liên hệ với họ và cắt liên lạc.

Bộ Công an khuyến cáo, cần định danh các tài khoản mạng xã hội để đảm bảo trong công tác quản lý không gian mạng. Theo đó, các đối tượng xấu sẽ khó khăn hơn trong việc sử dụng tài khoản nặc danh. Đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, thời gian qua hãng có ghi nhận một số phương thức bán vé giả thường được các đối tượng xấu thực hiện vào dịp cao điểm đi lại. Phổ biến nhất là các trang mạng xã hội chào mời mua vé dịp Tết với giá thấp hơn so với thị trường chung, kèm theo ngày giờ bay thuận tiện để thu hút khách hàng.

Trường hợp tinh vi hơn, các đối tượng sau khi nhận được tiền của khách, vẫn xuất vé, nhưng sau đó hoàn vé để thu lại phần lớn tiền, chỉ phải chịu mất một khoản phí hoàn vé nhỏ. Hoặc các đối tượng này sẽ đặt chỗ, gửi khách mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu chuyển khoản. Sau khi nhận thanh toán, họ không xuất vé và ngắt liên lạc. Do chưa được xuất ra vé máy bay, nên mã đặt chỗ sẽ tự hủy sau một thời gian. Khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay hoặc kiểm tra trực tiếp với hãng.

Khuyến cáo cần thiết

Để không mua phải vé giả, vé bị nâng giá trong dịp cao điểm Tết đang đến gần, Hãng hàng không Vietnam Airlines khuyến nghị, khách hàng mua vé trên website, ứng dụng di động, phòng vé và đại lý chính thức của hãng.

Ngoài ra, do nhu cầu đi lại dịp cao điểm Tết đang tăng mạnh, các chuyến bay có thể hết chỗ sớm, hãng bay cũng khuyến nghị hành khách có kế hoạch và chủ động đặt chỗ, mua vé từ sớm.

Trước đó, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cảnh báo, Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, đây là thời điểm tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng nhu cầu mua vé máy bay về quê, đi du lịch... của người dân để chiếm đoạt tài sản. Dù đây không phải một chiêu trò mới nhưng thủ đoạn thao túng tâm lý của các đối tượng ngày một tinh vi, khiến nhiều nạn nhân vẫn bị sập bẫy.

Hình thức của các đối tượng lừa đảo trên chủ yếu là tạo lập các trang Fanpage giả mạo trên mạng xã hội, đăng bài quảng cáo nhằm thu hút sự chú ý của người dùng bằng những hình ảnh và ưu đãi hấp dẫn. Khi có khách hàng tìm đến, các đối tượng sẽ hướng dẫn họ làm theo yêu cầu đăng bài trên Facebook, với nội dung bán vé máy bay giá rẻ.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần phải tỉnh táo trước khi thực hiện giao dịch trên mạng xã hội đặc biệt là với các quảng cáo giá siêu rẻ và ưu đãi lớn. Khi có nhu cầu mua vé máy bay, khách hàng nên trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng.

Trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, khách hàng cần tìm hiểu kỹ và xác nhận thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay. Đặc biệt, không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.

Trục lợi hàng tỷ đồng từ lừa bán vé máy bay về nước dịp Covid-19
Giá trần vé máy bay nội địa có thể tăng lên mức 4 triệu đồng?
Vì sao các hãng tăng nhiều chuyến mà giá vé máy bay Tết vẫn cao ngất ngưởng?

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.