Tết về bên gánh mùi già

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, phố phường Hà Nội mang một nét riêng biệt, không khí Tết tỏa ra từ khắp mọi nhà, mọi ngõ ngách và hiển hiện ở mọi cung đường của phố xá khiến lòng người chộn rộn, xốn xang. Nào là mùi tinh tế, nhẹ nhàng, thanh dịu và ấm áp hương trầm, mùi thơm ngon, man mát của cam Canh, bưởi Diễn, mùi ngọt ngào của hoa ly trên bàn thờ gia tiên ấm cúng… và còn một mùi hương đặc biệt, hễ thấy là cảm nhận được Tết đã cận kề, đó là hương của cây mùi già.
Thấy hương mùi già là thấy Tết  Ảnh: Thanh Nhàn
Thấy hương mùi già là thấy Tết. Ảnh: Thanh Nhàn

Người Hà Nội xưa vẫn giữ được tục lệ đun nước cây mùi già vào chiều 30 Tết để tắm, xông, hay rửa mặt. Theo quan niệm của người xưa, việc tắm lá mùi già vào ngày cuối năm là để xua tan, trút bỏ những chuyện không vui, phiền muộn, những điều chưa được toại nguyện, như ý trong năm cũ để chào đón một năm mới với nhiều sức khỏe và tài lộc và may mắn. Việc tắm lá mùi già bên cạnh ý nghĩa đó còn mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe.

Cây mùi được trồng ở ngoại thành Hà Nội. Trên những nẻo đường về vùng ven đô của đất Hà thành, dễ dàng cảm nhận được mùi hương thơm ngát từ những thửa ruộng mùi già với những bông hoa trắng li ti phất phơ trong gió chờ đến ngày thu hoạch.

Thu hoạch mùi già phải chọn được đúng thời điểm, bởi nếu cắt sớm thì bởi nếu cắt sớm hơn thì quả còn xanh và nhiều hoa đun nước sẽ bị vẩn đục vì thế chỉ có người dân vùng ven đô mới nằm lòng thời gian chín muồi để “chở mùi” về trên phố. Cứ tới độ cách Tết Nguyên đán khoảng 1- 2 tuần, sẽ là thời điểm lý tưởng nhất để thu hoạch mùi già.

Cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía và khi đun lên, cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, có vị nồng ấm rất riêng biệt. Có lẽ bởi vậy mà hương thơm của lá mùi già đọng lại rất lâu. Tắm xong, cả nhà vẫn phảng phất hương đến vài ba ngày Tết.

Chiều 30 Tết, khi nhà cửa đã sạch sẽ, cơm nước đã xong xuôi, những nắm mùi ra rửa sạch bụi đất, cây mùi già có đặc trưng thơm lâu, từ lá, hoa, quả đến rễ đều có thể tạo hương thơm. Bởi thế, khi nấu nước lá mùi nhiều người nguyên rễ, rửa sạch rồi cho vào nồi nước đun sôi lăn tăn trên bếp độ mươi, mười lăm phút mới tắt bếp để hương thơm lan tỏa, xông vào từng ngõ ngách trong nhà. Tinh dầu mùi theo thân, lá, quả tiết ra, làm nước chuyển màu vàng nâu nhạt, mùi hương nhẹ nhàng, cảm giác thật dễ chịu, khoan thai.

Trong Đông y, rau mùi có tác dụng như một vị thuốc dân gian, có tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu thực, chống mệt mỏi, lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh phục hồi sức khỏe.

Chiều 30 Tết, khi các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cơm đoàn viên, mùi thơm thanh khiết, dịu nhẹ của nồi nước lá mùi già dễ khiến lòng người nhẹ nhõm, bao mệt mỏi, buồn bực, gánh nặng, những điều chưa được như ý được trút bỏ, nhà cửa thơm tho, sạch sẽ, các thành viên trong gia đình thêm gắn kết, yêu thương. Với nhiều người, dù trong nhà đã sắm hoa đào hồng, quất chín vàng, vi-ô-lét tím nhưng chưa có hương mùi già hình như Tết vẫn chưa trọn vẹn…

Tết hiện đại đã có rất nhiều đổi thay, nhưng có những phong tục vẫn được vẹn nguyên qua năm tháng, giữ nguyên những giá trị xưa cũ khiến mỗi chúng ta thấy được nâng niu, trân trọng trong vòng quay ký ức kết nối nối với hiện tại và tương lai. Đắm mình trong hương thơm trầm ấm của những nốt nhạc xưa, tôi mới thực sự thấy Tết đến, Xuân về

Hương thơm ngai ngái, dìu dịu và trầm ấm của mùi lan tỏa khắp con phố Hà Nội, xoa dịu bớt cái lạnh của mùa đông. Bó mùi lấp ló trong những chiếc làn đi chợ của các bà, các mẹ, tỏa về muôn ngả, mang theo sự tròn đầy, êm ấm về bên mỗi hiên nhà. Tết đã về…

Tết về trên đảo tiền tiêu
Đưa Tết về Chiềng Cọ
“Tết về nhà – Quà biếu ông bà”

Mai Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.