Năm 2023 tạo tiền đề kiểm soát lạm phát năm 2024

Vừa qua, Tổng cục Thống kê công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 0,12% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng này tăng 3,58%. Theo đó, CPI cả năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022 và đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Khách hàng đang mua sắm tại siêu thị Tops Market, Hà Nội Ảnh: Nguyễn Đăng
Khách hàng đang mua sắm tại siêu thị Tops Market, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đăng

CPI tháng 12/2023 tăng 0,12%

Thông tin tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023 diễn ra vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương khẳng định, một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, tăng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, giá điện sinh hoạt tăng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 3,58% so cùng kỳ 2022. CPI bình quân quý IV/2023 tăng 3,54% so với quý IV/2022. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% so với 2022, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Trong mức tăng 0,12% của CPI tháng 12/2023 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 2,15% tác động CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm, trong đó chỉ số giá thuốc các loại tăng 0,12%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 1,94%; dịch vụ khám chữa bệnh nội trú tăng 3,54%.

Nguyên nhân chủ yếu do các địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế. Nhóm giáo dục tăng 0,44%, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 0,49%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,43% tác động làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 1,05%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,59%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,44%.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,31% tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ trang sức tăng 3,6%; dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng 0,59%... Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng vào dịp Giáng sinh, Tết dương lịch và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới.

CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25%

Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022, do một số nguyên nhân chính, như: chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,44%, tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,58% tác động làm CPI chung tăng 1,24 điểm phần trăm, do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao. Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 6,85% tác động làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 2,33% tác động làm CPI chung tăng 0,5 điểm phần trăm, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp lễ, Tết.

Chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 4,86% tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm, do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với từ ngày 4/5/2023 và ngày 9/11/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân…

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2023: Chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm 2022 theo biến động của giá thế giới, làm CPI chung giảm 0,4 điểm phần trăm:...

Tổng cục Thống kê cho biết, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và qua đó giúp kiềm chế lạm phát của năm 2023.

Bình quân năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm trước, giá gas giảm 6,94% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 vừa được thông qua trong Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được Quốc hội yêu cầu là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong đó, CPI bình quân năm 2024 được đặt mục tiêu kiểm soát ở mức 4 - 4,5%. Với diễn biến lạm phát từ đầu năm 2023 đến nay và dự báo về các biến động kinh tế thế giới, nhiều ý kiến cho rằng nhiệm vụ kiểm soát lạm phát năm 2024 ở nước ta không quá nặng nề, song không thể chủ quan.

Hà Nội ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát
Lạm phát Eurozone chạm mức thấp nhất trong hơn 2 năm
Dự kiến, Hà Nội sẽ tổ chức trên 20 hội chợ, triển lãm

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.