Hà Nội nêu tên 500 doanh nghiệp nợ BHXH từ 6 tháng đến 2 năm

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội vừa công bố danh sách 500 đơn vị sử dụng lao động điển hình chậm đóng BHXH lớn từ 6 đến 24 tháng tính đến hết tháng 11/2023, với tổng số chậm đóng là hơn 335 tỷ đồng.
Hà Nội nêu tên 500 doanh nghiệp nợ BHXH từ 6 tháng đến 2 năm
Giao dịch, tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ giải quyết TTHC tại Bộ phận "một cửa" BHXH TP Hà Nội. Ảnh: P.V

Theo đó, một số đơn vị có số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN cao như: Công ty Cổ phần phát triển giáo dục IGARTEN (360 Giải Phóng, Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) nợ 21 tháng với số tiền hơn 19 tỷ đồng; HTX Thành Công (Số 499 Lương Thế Vinh, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nợ 11 tháng với số tiền gần 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, BHXH TP Hà Nội cũng nêu tên hàng loạt doanh nghiệp lớn khác đang chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN hàng chục tỷ đồng như: Công ty CP LILAMA3 (chậm đóng 107 tháng, số tiền gần 44,2 tỷ đồng); Công ty TNHH May mặc XK VIT Garmen (chậm đóng 41 tháng, số tiền 35 tỷ đồng); Công ty CP Cầu 12 (chậm đóng 79 tháng, số tiền 29,5 tỷ đồng); Công ty CP Cơ khí xây dựng 121 CIENCO1 (chậm đóng 120 tháng, số tiền 22,2 tỷ đồng); Công ty CP Sông Đà 6 (chậm đóng 40 tháng, số tiền 19,9 tỷ đồng); Công ty CP 116 - CIENCO 1 (chậm đóng 152 tháng, số tiền 19,6 tỷ đồng);...

Theo BHXH TP Hà Nội, những đơn vị có tên trong danh sách chậm đóng có hành vi vi phạm pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Trước đó, ngày 8/12, tại cơ quan BHXH TP Hà Nội, Phó Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn Trọng Hòa chủ trì hội nghị công bố quyết định thanh tra việc chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tại một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2023.

Theo kế hoạch, Đoàn thanh tra lập thành 3 tổ, mỗi tổ có 6 đến 7 thành viên, thực hiện thanh tra tại 45 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Thời gian thanh tra tập trung cao điểm vào tháng 12/2023. Căn cứ vào kết quả thanh tra, tùy mức độ vi phạm, Đoàn thanh tra liên ngành sẽ đưa ra biện pháp xử lý tại chỗ hoặc đề xuất phương án xử lý với cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của các doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi công bố quyết định thanh tra, Phó Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn Trọng Hòa chia sẻ với các doanh nghiệp về những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, nên các đơn vị có trách nhiệm khắc phục số tiền chậm đóng.

Theo thống kê của BHXH TP Hà Nội, lũy kế đến thời điểm hết tháng 11/2023, toàn thành phố còn hơn 85.000 đơn vị chậm đóng các chính sách với tổng số tiền hơn 5.458 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi là gần 1.854 tỷ đồng, bằng 2,88% so với tổng số tiền cần thu.

Cần quan tâm, số tiền chậm đóng kéo dài, từ 12 tháng trở lên hiện là 1.845 tỷ đồng, chiếm 33,8% tổng số tiền chậm đóng; còn số tiền chậm đóng dưới 12 tháng là hơn 1.820 tỷ đồng, chiếm 33,35% tổng số tiền chậm đóng.

Hà Nội công khai các đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH kéo dài của người lao động
Đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn cho người lao động trong doanh nghiệp nợ BHXH
Lập hồ sơ, chuyển cơ quan Công an xem xét xử lý doanh nghiệp nợ BHXH

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.