Huyện Đan Phượng, Hà Nội: Tỷ lệ hòa giải thành đạt 85%

Qua 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Đan Phượng đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nền nếp, thống nhất và hiệu quả. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đào Thị Hồng Hà trao tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện 	Ảnh: Việt Tâm
Phó Chủ tịch UBND huyện Đào Thị Hồng Hà trao tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện. Ảnh: Việt Tâm

Ngay sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, UBND huyện Đan Phượng đã ban hành kế hoạch, tổ chức hội nghị, chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần phổ biến Luật đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo các tầng lớp Nhân dân biết và hưởng ứng, tạo sự chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở.

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở được UBND huyện triển khai bài bản, có nhiều sáng tạo, thông qua đó đã giúp cho cán bộ, công chức thấy rõ được lợi ích của việc hòa giải để vận dụng linh hoạt trong việc giải quyết khiếu kiện.

Các hòa giải viên được nâng tầm vị thế, tạo thuận lợi hơn cho các hòa giải viên khi tham gia hòa giải, khuyến khích, động viên các hòa giải viên làm tốt công tác hòa giải, đối với người dân cũng cần hiểu rõ hơn ý nghĩa về việc hòa giải. Từ đó chủ động, tích cực hơn khi tham gia hòa giải làm giảm bớt các khiếu kiện, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn huyện.

Bà Đào Thị Hồng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, từ năm 2013 đến nay, UBND huyện đã ban hành 18 Kế hoạch, 38 Công văn để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; cấp phát, in ấn, cung cấp tài liệu về hòa giải ở cơ sở đến các hòa giải viên, thành viên Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật huyện, báo cáo viên pháp luật huyện…; bổ sung ngân sách pháp luật tại UBND các xã, thị trấn, nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, tổ dân phố và các tổ hòa giải ở cơ sở làm tài liệu tuyên truyền và áp dụng thực hiện.

Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” và các mô hình hoạt động hòa giải được triển khai có hiệu quả ở địa phương. Việc xây dựng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải, các tổ hòa giải được cùng cố, hoạt động bài bản có quy mô, tổ chức, qua đó phát huy tích cực và đạt được nhiều kết quả tốt trong công tác hòa giải.

Huyện đã bố trí nguồn lực thực hiện công tác hòa giải cơ sở theo đúng quy định, phối hợp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể với cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Đội ngũ hòa giải viên đều là những người có tâm huyết, nhiệt tình tham gia và thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải nên các vụ việc hòa giải ở cơ sở ngày càng nâng cao chất lượng, tỷ lệ vốn hóa giải thành cao. Trong 10 năm, tỷ lệ hòa giải thành bình quân trên địa bàn huyện đạt 85%.

Hòa giải cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Bởi hòa giải thành sẽ hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, giúp duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Hòa giải cơ sở là chỗ dựa cho việc tổ chức một xã hội đoàn kết, hòa hợp, đồng thuận, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tạo tiền đề cho ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tổng kết cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2023 trên địa bàn huyện Đan Phượng có 16 xã, thị trấn gửi video tham gia dự thi. Kết quả, giải Nhất thuộc về xã Hồng Hà, giải Nhì thuộc về xã Tân Lập, đồng giải Ba thuộc về hai xã Thượng Mỗ và Hạ Mỗ.
Hòa giải viên phải biết lắng nghe, thấu hiểu…
Hà Nội: Hòa giải thành công hơn 86% vụ việc mâu thuẫn tại cơ sở
“Để hòa giải thành, hòa giải viên phải có kỹ năng “dân vận khéo””

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.