Chương trình truyền thông “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023”:

Bồi đắp, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường

Sáng 1/12, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Lễ Tổng kết Chương trình truyền thông “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023”, trao giải Cuộc thi viết; đồng thời phát động Chương trình năm 2024.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tại lễ phát động cuộc thi năm 2023. Ảnh: Phạm Hùng
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tại lễ phát động cuộc thi năm 2023. Ảnh: Phạm Hùng

Đây là sự kiện truyền thông ghi dấu ấn quan trọng trong việc lan tỏa hành động về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội.

Từ Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội", bước sang năm thứ 3, UBND TP đã được mở rộng thành Chương trình truyền thông, thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan quản lý, DN và người dân. Điều đó được thể hiện rõ nét khi Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội lần thứ III - năm 2023” gặt hái những kết quả đáng ghi nhận về số lượng cũng như chất lượng các bài dự thi.

Đột phá về số lượng

Chương trình truyền thông “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với với Sở TN&MT tổ chức, theo Kế hoạch số 65/KH-UBND của UBND TP Hà Nội. Mặc dù thời gian triển khai Cuộc thi khá gấp rút, tính từ phát động cuộc thi đến khi kết thúc nhận bài dự thi trong vòng 5 tháng, song Ban Tổ chức đã nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo độc giả cả nước, đặc biệt là những người đang sinh sống, học tập và công tác trên địa bàn Hà Nội.

Qua tổng hợp cho thấy, số lượng bài dự thi năm nay là 2.360 bài, gấp gần 5 lần so với năm 2022 và gấp gần 8 lần so với năm 2021. Trong tổng số 2.360 tác phẩm tham dự Cuộc thi có 1.950 tác phẩm của tổ chức, đơn vị và cá nhân, với 24 loạt bài, 2.336 bài đơn lẻ. Thời gian đăng từ 1/7/2022 - 25/9/2023.

Các bài dự thi tập trung vào 4 chủ đề chính. Thứ nhất, phản ánh và đề xuất các giải pháp phân loại, xử lý rác thải theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Thứ hai, phản ánh cách làm hay, các sáng kiến cải thiện môi trường và hành động đẹp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội trong công tác bảo vệ môi trường. Thứ ba là thực trạng và giải pháp đối với sông hồ, làng nghề, hệ thống thoát nước của Thủ đô. Thứ tư là chủ đề xây dựng phát triển đô thị xanh.

Nhìn chung, bài dự thi đã đáp ứng được mục tiêu đề ra là lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường TP Hà Nội đến đông đảo cộng đồng ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Đặc biệt, có không ít tác phẩm dự thi của các phóng viên, nhà báo, chuyên gia… đã chạm trúng vấn đề trong cải thiện môi trường của Hà Nội, được thể hiện với nhiều thể loại khác nhau, nhưng phần lớn thể hiện rõ nét phong cách báo chí hiện đại thời công nghệ số như: Longform, eMagazine, Multimedia, Megastory…

Ấn tượng về chất lượng

Trong số 25 tác phẩm lọt vào Chung khảo, phần lớn là tác phẩm của các phóng viên, nhà báo - những người viết chuyên nghiệp đang công tác tại các cơ quan báo chí T.Ư và Hà Nội. Còn lại, có nhiều tác giả là cây bút không chuyên nhưng đều là người tâm huyết, làm việc trực tiếp trong lĩnh vực môi trường.

Điển hình là loạt bài 5 kỳ “Hồi sinh tài nguyên từ rác ở Thủ đô” của nhóm tác giả Phạm Mạnh, Hà Thu, Minh Quân, Đỗ Lý, Hằng Hoàng (Báo Tuổi trẻ Thủ đô) đã tập trung phản ánh thực trạng quá tải rác thải sinh hoạt tại bãi rác Nam Sơn và các ảnh hưởng đến đời sống cư dân lân cận. Đồng thời nêu lên một số điểm nghẽn khi triển khai quy định; chỉ ra các mô hình và chiến dịch phân loại rác có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn. Loạt bài có sự đầu tư bài bản cả về nội dung với hình thức trình bày (eMagazine) đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn - đưa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vào cuộc sống.

Học sinh tiểu học huyện Sóc Sơn tham gia trồng cây xanh bảo vệ môi trường. Ảnh: Công Hùng
Học sinh tiểu học huyện Sóc Sơn tham gia trồng cây xanh bảo vệ môi trường. Ảnh: Công Hùng

Ấn tượng không kém cho Hội đồng Chung khảo là loạt bài “Dầu mỡ - kẻ giấu mặt gây úng ngập và ô nhiễm môi trường Hà Nội” của nhóm tác giả Bùi Ngọc Uyên, Đỗ Lê Sơn (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) đăng trên Báo Kinh tế & Đô thị. Tác phẩm đã chạm đến đúng vấn đề “nóng” lâu nay của Hà Nội. Đó là tình trạng ngập úng mà nguyên nhân có một phần không nhỏ từ tình trạng nước thải chứa dầu mỡ gây ách tắc hệ thống thoát nước chung của TP.

Trưởng ban Tổ chức Chương trình truyền thông “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023”, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết, Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023” không chỉ nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tham gia của độc giả Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung mà còn từng bước bồi đắp, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường, hình thành thói quen, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội vì một tương lai bền vững.

Để góp phần bảo vệ môi trường, vai trò của công tác truyền thông là rất lớn. Việc UBND TP Hà Nội giao cho Báo Kinh tế & Đô thị chủ trì thực hiện Chương trình truyền thông "Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội" năm 2023 đã góp phần lan tỏa thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường, giúp cả cộng đồng đồng tình, hưởng ứng.

Thông qua Cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường năm 2023, Ban Tổ chức đã nhận rất nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp và giới thiệu mô hình - cách làm hay nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường cho TP Hà Nội. Các giải pháp đưa ra được đánh giá có tính thực tiễn khá cao, thể hiện sự tâm huyết của người yêu Hà Nội, mong muốn xây dựng một Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp".

Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi

Trải qua 3 vòng (Sơ loại, Sơ khảo và Chung khảo) của Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội” lần thứ III - năm 2023”, Hội đồng chấm giải đã chọn ra 16 tác phẩm xuất sắc nhất để tổ chức trao giải gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.

Hồ Tây sạch đẹp sau khi tháo dỡ, di dời du thuyền cũ nát
Cô giáo lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường
Hà Nội đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp môi trường

Vân Nhi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.