Luật Thủ đô (sửa đổi): Làm rõ phạm vi áp dụng

Tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Duy Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời gian tới...
Luật Thủ đô (sửa đổi): Làm rõ phạm vi áp dụng
Xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội, ngày càng "thay da đổi thịt" với những căn biệt thự sang trọng của người dân.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh khẳng định, tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô để thể chế hóa Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng và nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ông Nguyễn Duy Minh tham gia thêm một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo luật:

Thứ nhất, về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại Điều 41, không nên chỉ giới hạn tại khu công nghệ cao. Bởi, việc giới hạn thử nghiệm có kiểm soát tại khu công nghệ cao có thể không phù hợp để giúp phát triển công nghệ. Có một số công nghệ cần được ứng dụng trong không gian thực tế, cần có cư dân sinh sống mới có hiệu quả.

Ví dụ, robot giao thức ăn tự hành cần có nơi, có cư dân sinh sống, bán thức ăn để thử nghiệm cho thức ăn đến nhà dân trong khi tại các khu công nghệ cao có rất ít người dân sinh sống. Nếu chỉ cho phép thử nghiệm trong khu công nghệ cao có rất ít nhu cầu đặt hàng do đa số nhân viên tại các công ty phải ăn trong căng tin.

Ngoài ra, các loại robot và xe tự hành cần có giao thông thực tế dù mật độ thấp để mô hình trí tuệ nhân tạo có thể học và phát triển. Các mô hình trí tuệ nhân tạo như một em bé cần được học nhiều tình huống khác nhau và nếu chỉ thử nghiệm trong khu vực khép kín, phòng thí nghiệm sẽ không học được nhiều.

Khi thử nghiệm trong thực tế phải đảm bảo có cơ chế kiểm soát an toàn và có người giám sát. Kinh nghiệm tại các nước như ở Anh năm 2013, Chính phủ nước Anh đã cho phép thử nghiệm xe tự hành ở khu vực công cộng sau một thời gian được tiến hành trong các khu vực tư nhân.

Thứ hai, cần làm rõ phạm vi áp dụng. Hiện tại, khoản 2 Điều 41 dự thảo Luật chưa làm rõ việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Cụ thể tại điểm a chỉ ra các giải pháp công nghệ mới nhưng lại giới hạn ở khu vực công khu công nghệ cao. Giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt, chip bán dẫn vật liệu mới nhưng chỉ được thực hiện trong khu công nghệ cao.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Làm rõ phạm vi áp dụng
Đại biểu Nguyễn Duy Minh. Ảnh: Quốc hội

Điểm b nêu địa điểm thử nghiệm mà không đề cập cụ thể đến lĩnh vực công nghệ cần thử nghiệm tại các khu thúc đẩy thương mại và văn hóa ở một số địa điểm trên địa bàn Thủ đô có tiềm năng, lợi thế về thương mại, du lịch, dịch vụ, văn hóa mà không rõ lĩnh vực thử nghiệm là gì. Do đó, đề nghị chỉnh lý khoản 2 và bổ sung khoản 3 quy định riêng về địa bàn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cũng như bổ sung một số lĩnh vực công nghệ, cụ thể như sau:

Lĩnh vực áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Điểm a quy định, các giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất vi mạch điện tử tích hợp chế tạo tự động hóa, điện tử linh hoạt, chip bán dẫn, vật liệu mới, các giải pháp, biện pháp giảm phát thải carbon ứng phó với biến đổi khí hậu. Điểm b quy định, các giải pháp trong công nghệ số trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường và đô thị thông minh.

Thứ ba, địa bàn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và tại khu công nghệ cao, tại các khu vực thúc đẩy thương mại và văn hóa ở một số địa điểm trên địa bàn Thủ đô có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch văn hóa, tại khu vực có đông đối tượng sử dụng thử nghiệm mà giải pháp công nghệ hướng tới.

Về thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, tôi đề nghị bỏ cụm từ "quy định tại khoản 1 Điều 25 của luật này" và biên tập lại, cụ thể như sau: "thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, được huy động các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài ngân sách để đầu tư mạo hiểm, thúc đẩy ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ để thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định thành lập".

Cuối cùng, đối với các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, đại biểu thống nhất cao với đề xuất của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14.

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Hà Nội Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Hà Nội
Chính sách đặc thù tạo cơ chế thuận lợi cho Thủ đô phát triển Chính sách đặc thù tạo cơ chế thuận lợi cho Thủ đô phát triển

Nhật Nam

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.