Chuyến tàu kết nối giá trị văn hóa xưa và nay

Dự án “Tuyến tàu điện số 6” (Line 6) là mô hình trải nghiệm du lịch mới tại phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội). Sau 3 tuần khởi động, chuyến tàu du lịch đã thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn không gian văn hóa Việt.
Cận cảnh “Không gian văn hóa Trà Việt” trong dự án “Tuyến tàu điện số 6”, hiện đang triển khai tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. 	Ảnh: Trung Nguyên
Cận cảnh “Không gian văn hóa Trà Việt” trong dự án “Tuyến tàu điện số 6”, hiện đang triển khai tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên

Bước vào không gian của “Tuyến tàu điện số 6” đầu tiên, du khách trải nghiệm sự đa dạng của văn hóa trà Việt. Tại đây, du khách được tìm hiểu về nguyên liệu, công thức, dụng cụ, sản phẩm, phương pháp chế biến ẩm thực. Dấu ấn đặc sắc nhất của “Không gian văn hóa Trà Việt” là du khách được trực tiếp tìm hiểu nguyên liệu các loại chè trứ danh của Việt Nam cùng trải nghiệm về văn hóa uống trà, khám phá sản phẩm chè truyền thống.

Những ngày đầu khởi động, “Tuyến tàu điện số 6” đã tạo không khí sôi động, thay đổi không gian của một ốc đảo vốn yên bình. Chuyến tàu du lịch chở mùa ký ức xưa cũ về thực tại. Trong tâm trí nhiều thế hệ Hà Nội, tàu điện bánh hơi là loại phương tiện giao thông độc đáo từng xuất hiện ở Hà Nội thời gian rất ngắn, khoảng cuối thập niên 1980, đầu 1990. Khác với tàu điện bánh sắt chạy trên ray, tàu điện bánh hơi không chạy trên ray mà có thể chạy bất cứ tuyến phố nào nếu có giăng hai đường điện một chiều.

Theo ông Nguyễn Dân Duy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, ý tưởng sáng tạo mô hình du lịch độc đáo từ tàu điện bánh hơi xuất phát từ chính những trăn trở làm sao kết nối giá trị văn hóa truyền thống gần gũi hơn với giới trẻ, đồng thời kết nối văn hóa - ẩm thực xưa và nay. Tàu điện bánh hơi được Công ty Xe điện Hà Nội sản xuất, kết nối mạng lưới tàu điện mặt đất với 5 tuyến, chạy từ những năm 1901 đến năm 1991.

Bởi thế, tên gọi “Tuyến tàu điện số 6” là hành trình tiếp nối 5 tuyến tàu điện của Hà Nội trong quá khứ. Từ mô hình “Không gian văn hóa Trà Việt”, những toa tiếp theo của “Tuyến tàu điện số 6” sẽ giới thiệu về món ăn, thức uống đặc sắc của Việt Nam như: cà phê, phở, bánh mì…

Phát huy giá trị ẩm thực truyền thống, “Tuyến tàu điện số 6” được thực hiện theo mô hình “3 bên, 1 mục tiêu”, trong đó, chính quyền có vai trò xây dựng mô hình, kết nối các nguồn lực; doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh giữ vai trò đầu tư nguồn lực xã hội hóa để triển khai thực hiện dự án; các hội đoàn thể với vai trò giới thiệu đoàn viên, hội viên để các DN, cơ sở kinh doanh tuyển chọn lao động, góp phần xây dựng và phát triển tuyến phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã trở thành “khu phố ẩm thực thứ hai của Hà Nội” sau “thương hiệu” phố ẩm thực Tống Duy Tân.

Giữa thời điểm các tuyến phố đi bộ mở rộng tại các quận, huyện thì dự án “Tuyến tàu điện số 6” là cách làm chủ động, sáng tạo của chính quyền phường Trúc Bạch trong việc tạo bản sắc riêng cho tuyến phố. Khoác lên diện mạo mới, trải nghiệm mới, tuyến phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã hứa hẹn là điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách khi khám phá Hà Nội.

Hà Nội: Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Trang phục Mông Cổ ở Sa Pa ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống Việt Nam
Phát huy giá trị văn hóa của “làng có nghề”

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.