Lãnh đạo Bộ TTTT và tỉnh Thanh Hoá ấn nút khai trương Cổng dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa, App Thanh Hóa - S |
Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, mang lại nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực, đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, làm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân...
Thanh Hóa là tỉnh đang triển khai rất hiệu quả hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc tại 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, có số lượng rất lớn, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; là tỉnh có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến thuộc diện lớn nhất trong cả nước với 348 điểm cầu tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã của tỉnh, góp phần triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới xây dựng Chính quyền số đã có bước đột phá quan trọng. Lãnh đạo, cán bộ các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức, lề lối, thói quen làm việc từ hành chính, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh. Cổng dịch vụ công, hệ thống một của điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của các cơ quan nhà nước. Công tác thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số được quan tâm, đẩy mạnh…
Theo ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và truyền Thông, Phó Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá cho biết, tỉnh đặc biệt quan tâm đến đầu tư, phát triển hạ tầng trong chuyển đổi số; Thanh Hóa xác định xây dựng chính quyền số giúp phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong chính quyền số tập trung nâng cao dịch vụ công mức độ 3-4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao mức độ hài lòng đối với người dân doanh nghiệp với việc thực hiện dịch vụ nhà nước cung cấp.
Ảnh Huy Hoàng |
“Việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, nhất là đối với người đứng đầu, đóng vai trò hết sức quan trọng và quyết định; xây dựng, hoàn thiện thể chế và công nghệ là động lực; đảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.”
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã hết sức quan tâm, tích cực đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hạ tầng viễn thông được triển khai đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu; hạ tầng CNTT được đầu tư đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã; trục tích hợp nội tỉnh LGSP kết nối, liên thông với hệ thống của quốc gia, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 04 cấp từ Trung ương đến cấp xã.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ –TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi só quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4216/ QĐ-UBND về kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đây là văn bản quan trọng mở đường, định hướng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Với mục tiêu chung là: Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số. Ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền số; hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao là nền tảng cho phát triển kinh tế số; xã hội số văn minh, hiện đại, an toàn.
Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai các bước theo đúng kế hoạch, lộ trình đã đề ra, quyết tâm thực hiện hiệu quả, đồng bộ 3 trụ cột của chuyển đổi số đó là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, tạo đà để đưa Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.
Huy Hoàng
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thanh-hoa-dang-co-nhung-buoc-di-manh-me-trong-chuyen-doi-so-358780.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.