Xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức

Sáng 19/9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam thường niên lần thứ 3 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức với chủ đề ''Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững'' chính thức khai mạc.
Xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức
Quang cảnh phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023. Ảnh: Quochoi.vn

Kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chúng ta đã đi được nửa nhiệm kỳ 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường. Chính nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, nhìn tổng thể nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước "những cơn gió ngược" và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. "Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, định hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua nhưng nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021 - 2030 trở nên hết sức khó khăn. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách; trong đó, nhiều diễn biến mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo. Trong nước, sức chống chịu của nhiều DN đã bị bào mòn, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng. Thị trường lao động gặp khó khăn khi DN phải giảm giờ làm, giảm ca.

Trong nước chưa có nhiều tập đoàn kinh tế mạnh, quy mô lớn đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tổ chức các chuỗi cung ứng, hệ sinh thái sản xuất nội địa; DN chủ yếu có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, công nghệ sản xuất thấp, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào. Năng lực nội sinh, tính tự chủ, khả năng chống chịu của DN, nền kinh tế còn hạn chế và ngày càng bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết trước tác động bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài.

Tăng cường, phát huy “nội lực”

Theo Chủ tịch Quốc hội, từ thực tế vươn lên trong đại dịch khi đối diện với những khó khăn, thử thách khắc nghiệt như 3 năm vừa qua, một trong những bài học quan trọng nhất là xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức và tính bất định của các yếu tố bên ngoài. Chúng ta cần tăng cường, phát huy “nội lực”, vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực” để thích ứng và phát triển, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng.

Với tinh thần "đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó", để đạt được các mục tiêu của Diễn đàn, có tính thiết thực, Chủ tịch Quốc hội mong muốn lắng nghe những ý kiến, trao đổi, thảo luận tập trung giải đáp 3 câu hỏi lớn. Một là, dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo?

Hai là, thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay như thế nào? dự báo cho cả năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021 - 2025?

Ba là, năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025?

"Căn cứ các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban tổ chức Diễn đàn sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" - Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Diễn đàn gồm một phiên toàn thể và 2 phiên chuyên đề. Trong đó, chuyên đề 1 với chủ đề: “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”. Chuyên đề 2 với chủ đề: “Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới”. Phiên toàn thể và Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Hà Nội hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thực phẩm, đồ uống
Tín dụng Xanh chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế
Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt mức giá kỷ lục

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.