Thực hiện tốt chế định Thừa phát lại để cải cách tư pháp

Thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp, chế định Thừa phát lại đã được triển khai tại Hà Nội từ năm 2013, đến nay các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP đã thực sự góp phần giảm tải công việc của cơ quan tư pháp, đồng thời hỗ trợ tích cực cho công dân khi quyền lợi dân sự bị xâm phạm.
Văn phòng TPL Hoàn Kiếm là một trong những Văn phòng hoạt động hiệu quả ẢNH: Công Phương
Văn phòng Thừa phát lại Hoàn Kiếm là một trong những Văn phòng hoạt động hiệu quả. Ảnh: Công Phương

Sau 5 năm thí điểm tại TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành, ngày 26/11/2015, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 107/2015/QH13 chấm dứt việc thí điểm, theo đó, từ ngày 1/1/2016, chính thức thực hiện Chế định Thừa phát lại trên phạm vi toàn quốc.

Hà Nội là một trong 13 địa phương được chọn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội. Theo đó, từ tháng 2/2014 UBND TP Hà Nội đã có Quyết định cho phép thành lập 05 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP là các Văn phòng: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân. Đến nay, số lượng văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội lên đến con số 38.

Trong khó khăn của những ngày “vạn sự khởi đầu nan”, các văn phòng Thừa phát lại đã nhận được chỉ đạo sâu sát, chỉ đạo kịp thời của UBND TP, hỗ trợ, tạo điều kiện của Sở Tư pháp TP Hà Nội và các cấp, các ngành của địa phương.

Có thể thấy, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và xã hội hóa một số hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp của Đảng và Chính phủ, hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội được triển khai và đến nay, được đông đảo người dân đón nhận.

Các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong việc hỗ trợ các cơ quan Tư pháp thực hiện một số công việc như tống đạt các văn bản tài liệu tố tụng; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo lập chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước pháp luật; trực tiếp tổ chức thi hành án, thu nhiều chục tỷ đồng cho người được thi hành án...

Thời gian qua, hoạt động của Thừa phát lại đã góp phần thúc đẩy ổn định, trật tự trong giao lưu dân sự, kinh tế thông qua hoạt động lập vi bằng, tạo lập chứng cứ giúp chủ động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và cho hoạt động xét xử của tòa án; đồng thời, xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại cho thấy những thông tin về điều kiện thi hành án của đương sự do Thừa phát lại cung cấp đã giúp bảo vệ kịp thời lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, giúp cơ quan thi hành án có thêm cơ sở đưa ra các phương thức tổ chức thi hành án phù hợp.

Phó Trưởng phòng Quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội Nguyễn Phương Nam cho biết, hiện nay có 38 Văn phòng Thừa phát lại, 8 Văn phòng được cấp hoạt động từ trước năm 2023, 30 Văn phòng được cấp từ tháng 3/2023 đến nay với 91 Thừa phát lại hoạt động. Hiện tại, với số lượng Thừa phát lại và Văn phòng hoạt động phần lớn ổn định, đầu tư cơ sở vật chất, Thừa phát lại được trau dồi chuyên môn về nghiệp vụ.

Qua thống kê của Phòng Bổ trợ tư pháp, số lượng lập vi bằng nhiều đã đóng góp một số ngân sách không nhỏ vào ngân sách của TP, giảm thiểu công việc của các cơ quan chức năng. 6 tháng đầu năm, 38 Văn phòng đã lập được 10.054 vi bằng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thừa phát lại ở Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, một số quy định chưa phù hợp vói thực tế. Hướng dẫn về công tác Thừa phát chưa nhiều, chủ yếu là quy định trong Thông tư 05 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8/1/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại).

Một số bất cập của Thông tư 05/TT-BTP, là đăng ký Vi bằng, vấn đề này chưa được quy định cụ thể. Vì vậy, mỗi Sở Tư pháp tỉnh, thành lại quy định đăng ký Vi bằng khác nhau.

Theo quy định, trong 3 ngày, Vi bằng phải đăng ký tại Sở Tư pháp. Trong khi, tại Hà Nội, số lượng vi bằng năm 2021 có khoảng 18.000 Vi bằng, năm 2022 là 24.500 Vi bằng. Số lượng Vi bằng nhiều, kho chật, công chức giải quyết việc khiêm tốn, lại vừa cập nhật, kiểm tra, vào sổ nên đây cũng là khó khăn, vướng mắc, bất cập lớn.

Để tuyên truyền thông tin hoạt động Thừa phát lại đến người dân, bà Nguyễn Phương Nam cho biết, từ khi Nghị định 08 ra đời, Sở Tư pháp kịp thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên báo Kinh tế và Đô thị, Đài PTTH Hà Nội để người dân hiểu biết và tọa đàm, các Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ ở Văn phòng Thừa phát lại tuyên truyền cho người dân. Hàng năm, các Trưởng Văn phòng xây dựng kế hoạch từ đầu năm, trực tiếp tuyên truyền cho người dân tại văn phòng khi người dân có yêu cầu lập vi bằng.

Phó Trưởng phòng Quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội Nguyễn Phương Nam cho biết: “Nghị định 08/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, quy định chức năng nhiệm vụ của Thừa phát lại cũng hạn chế. Do đó, chúng tôi kiến nghị đề xuất mở rộng công việc cho Thừa phát lại, trong thời gian tới, sửa đổi Nghị định hoặc xây dựng Luật Thừa phát lại”.
Hội Thừa phát lại TP Hà Nội: “Ngôi nhà chung” của các Thừa phát lại Thủ đô
Kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác Thừa phát lại
Triển khai xây dựng Luật Thừa phát lại là rất cần thiết

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.