Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV

Chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 các Dự án Luật đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Ngày 6/9/2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, TP trong cả nước.
Chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 các Dự án Luật đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Toàn cảnh Hội nghị ngày 6/9. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023, năm 2024 thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Nguyễn Minh Đức cho biết, ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch số 81, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh đã xây dựng, ban hành Kế hoạch số 249 triển khai đối với các nhiệm vụ lập pháp thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Theo đó, có tổng số 15 nhiệm vụ lập pháp về quốc phòng an ninh (QPAN) trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Đối với các nhiệm vụ phải hoàn thành trước 30/6/2022, có 4 nhiệm vụ sau: (1) Nghiên cứu, rà soát Luật Công an nhân dân; (2) Nghiên cứu, rà soát Luật Căn cước công dân; (3) Nghiên cứu, rà soát Luật Giao thông đường bộ hoặc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật điều chỉnh nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (4) Nghiên cứu, xây dựng mới dự án Luật điều chỉnh về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đối với các nhiệm vụ phải hoàn thành trước 31/12/2022, có 7 nhiệm vụ. Trong đó, có 5 nhiệm vụ sau khi đã hoàn thành việc rà soát, Chính phủ đã lập các hồ sơ báo cáo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, gồm các dự án: Luật Phòng thủ dân sự; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Phòng không nhân dân; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Về các nhiệm vụ phải hoàn thành trước 31/12/2023, có 4 nhiệm vụ. Mặc dù chưa đến thời hạn báo cáo, nhưng qua theo dõi, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh thấy rằng, Chính phủ đã chủ động chỉ đạo các bộ chức năng nghiên cứu, rà soát các nội dung trên để lập hồ sơ đề nghị xây dựng các luật có liên quan vào thời điểm thích hợp.

Chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 các Dự án Luật đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong cuộc sống, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 4 luật, nghị quyết khác về lĩnh vực quốc phòng an ninh, gồm: (1) Luật Cảnh sát cơ động; (2) Nghị quyết về đấu giá biển số xe ô tô; (3) Tờ trình của Chính phủ về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu; (4) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tới đây sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Về triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Luật pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh được phân công thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội hoàn thiện Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Căn cước. Tiến hành thẩm tra để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và chỉnh lý trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 đối với các dự án luật: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Đồng thời tiến hành thẩm tra để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đối với các dự án luật: Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xây dựng, ban hành chiến lược xây dựng, hoàn thiện pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh cũng kiến nghị Chính phủ: Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thường xuyên rà soát, nghiên cứu để đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản để điều chỉnh kịp thời các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn. Chỉ đạo các cơ quan soạn thảo tuân thủ quy định về thời gian trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án, dự thảo; bảo đảm chất lượng dự án, dự thảo, đánh giá tác động đối với các chính sách trong dự án, dự thảo.

Khai mạc Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khai mạc Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Nhiều câu hỏi Nhiều câu hỏi "nóng" trong lĩnh vực đấu giá
Đại biểu Quốc hội: Làm rõ hành vi thao túng, để lành mạnh hóa thị trường bất động sản Đại biểu Quốc hội: Làm rõ hành vi thao túng, để lành mạnh hóa thị trường bất động sản

Ngọc Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.