Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050

Chú trọng phát triển 4 không gian

Khung định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được TP Hà Nội xây dựng và đang khẩn trương hoàn thiện. Trong đó, quan điểm về tổ chức không gian trong giai đoạn tới nhấn mạnh chú trọng phát triển 4 không gian gồm: không gian ngầm, không gian số, không gian văn hóa, không gian công cộng.
Quy hoạch hai bên bờ sông để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch     Ảnh Hải Linh
Quy hoạch hai bên bờ sông để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch. Ảnh Hải Linh

Trong loạt hội thảo được tổ chức từ tháng 8/2023 về phương án phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải luôn nhấn mạnh, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô là văn hóa và con người Hà Nội. Trong đó, không gian văn hóa được chú trọng mở rộng để phát triển hiệu quả các di sản phục vụ phát triển Thủ đô.

Trong đó, trục không gian sông Hồng được các đơn vị tư vấn đề xuất quy hoạch hai bên bờ sông để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch, liên kết với không gian Hoàng thành Thăng Long - Cổ Loa nhằm kết nối khu vực nội đô lịch sử với cửa ngõ phía Đông của TP.

Cụ thể, Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, một trong những đơn vị thuộc liên danh tư vấn đã lên phương án quy hoạch đường cầu cạn chạy dọc hai bên sông Hồng sẽ là “tuyến đường di sản” phục vụ du lịch dịch vụ. Phía hữu ngạn sông Hồng sẽ là “con đường di sản” thể hiện lịch sử dựng nước và giữ nước. Đoạn trung tâm TP là đoạn đường lịch sử Hà Nội, tái hiện 60 ngày đêm "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tuyến đường phía tả ngạn sông Hồng là tuyến đường "Việt Nam đất nước con người" để giới thiệu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của các vùng miền trên đất nước Việt Nam. Đây cũng là không gian để tổ chức lễ hội văn hóa của các địa phương cả nước được tập hợp về đây nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch.

Bên cạnh đó, quy hoạch không gian ngầm tại khu vực nội đô gắn với bảo tồn, hạn chế phát triển khu vực trung tâm phố cổ. Đặc biệt, xây dựng khu vực Hồ Tây với chức năng là trung tâm văn hóa, công cộng, phát triển du lịch, khai thác cảnh quan, trở thành điểm nhấn của Thủ đô.

Quy hoạch đô thị khoa học công nghệ Hòa Lạc và Sơn Tây - khu du lịch quốc gia Ba Vì - Suối Hai kết nối với cửa ngõ phía Tây và Tây Bắc gắn với khu bảo tồn làng bản các dân tộc thiểu số (Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, các làng bản dân tộc Mường, Dao).

Hình thành vùng không gian giữa sông Tích và sông Đáy đề xuất mô hình chuỗi, cụm làng nghề xanh, thông minh, lưu giữ được bản sắc văn hóa xứ Đoài nhưng vẫn hội nhập với kinh tế tri thức, công nghệ và có tính bổ trợ cho hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hình thành đô thị du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội dựa trên cấu trúc địa hình tự nhiên, gắn kết với hệ thống núi Ba Vì, hồ Đồng Mô và sông Tích, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia như Quốc lộ 21, đường Hồ Chí Minh.

Phát triển các dự án vui chơi giải trí, du lịch sinh thái phục vụ Nhân dân Thủ đô và vùng phụ cận: khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đồng Mô, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Khoanh vùng bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng như núi Thoong, sông Tích, sông Bùi…

Tham vấn cộng đồng trong quy hoạch và quản lý, sử dụng đất đai
Cần cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện cơ chế vượt trội, đột phá phát triển Thủ đô
Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu đô thị Tây Hồ Tây

Quân Đào

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.