Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Giải pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, PCCC tại điểm b khoản 2 Điều 34 Dự án Luật, ThS Nguyễn Thu Trang, trường ĐH Luật Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp.
Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)     Ảnh: Khánh Huy
Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Khánh Huy

Thứ nhất, theo ThS Nguyễn Thu Trang cần hợp nhất quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) với các quy định trong Luật Xử lí VPHC. Luật Thủ đô (sửa đổi) là một văn bản luật điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan đến quản lý Nhà nước ở một khu vực rất đặc biệt - là Thủ đô, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước. Trong khi đó, Luật Xử lý VPHC là một văn bản pháp luật chuyên ngành, quy định về các chế tài hành chính trong đó có biện pháp ngăn chặn và bảo đảm trong xử lý VPHC trên toàn quốc.

Trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC, cần thiết phải hợp nhất quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) với các quy định trong Luật Xử lý VPHC. Là văn bản được ban hành sau, Luật Thủ đô (sửa đổi) có thể đưa ra các quy định để sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành của Luật Xử lí VPHC.

Sự hợp nhất giữa quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) với quy định trong Luật Xử lý VPHC là cần thiết để đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả trong việc xử lý các VPHC tại Thủ đô. Việc hợp nhất này cũng đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của hệ thống pháp luật, từ đó đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm pháp chế trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thứ hai, ThS Nguyễn Thu Trang cho rằng, chỉ nên quy định việc ngừng cung ứng dịch vụ điện, nước là biện pháp ngăn chặn chứ không phải biện pháp bảo đảm xử lí VPHC. Biện pháp ngừng cung ứng dịch vụ điện, nước là cần thiết và phù hợp với các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013…

Thứ ba, cần quy định rõ trường hợp nào sẽ được áp dụng các biện pháp ngừng cung ứng dịch vụ điện nước. Theo Theo ThS Nguyễn Thu Trang, việc quy định rõ trường hợp nào sẽ được áp dụng các biện pháp ngừng cung ứng dịch vụ điện nước là cần thiết để đảm bảo tính công bằng, minh bạch và thống nhất trong việc thực hiện các biện pháp này.

Khi dữ liệu những trường hợp sẽ được áp dụng các biện pháp ngừng cung ứng dịch vụ điện nước, Nhà nước phải dựa trên các tiêu chí và nguyên tắc phù hợp như sự cần thiết và khẩn cấp của việc ngăn chặn hậu quả mà VPHC có thể đem đến cho xã hội, mức độ tác động lên lợi ích công cộng và các quyền của các bên liên quan, khả năng thực hiện và ảnh hưởng đến người dân và DN, cũng như các yếu tố khác có liên quan.

Trong trường hợp để đảm bảo tính ổn định của Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Thủ đô có thể trao quyền cho Chính phủ hoặc TP Hà Nội quy định chi tiết các trường hợp này. Tuy nhiên, ThS Nguyễn Thu Trang cho rằng, kể cả trong trường hợp đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) vẫn cần đặt ra các nguyên tắc cơ bản cho việc sử dụng các biện pháp này.

Thứ tư, cần quy định cụ thể về thẩm quyền cũng như thủ tục áp dụng các biện pháp này để đảm bảo tính toàn diện của pháp luật. Quy định cụ thể về thẩm quyền và thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm là cần thiết để đảm bảo tính toàn diện của pháp luật.

Theo ThS Nguyễn Thu Trang, hiện nay, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chỉ quy định chung chung thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp (tại khoản 3 Điều 34) mà không bổ sung nguyên tắc phân định thẩm quyền có thể dẫn đến sự xung đột về thẩm quyền trong quá trình áp dụng. Luật có thể lựa chọn trao quyền cho Chủ tịch UBND phường trong việc áp dụng biện pháp này đối với các vi phạm trên địa bàn phường mình;

Trong trường hợp vi phạm diễn ra trên địa bàn của nhiều phường trong quận thì thẩm quyền thuộc về Chủ tịch UBND quận; tương tự, đối với vi phạm diễn ra trên địa bàn nhiều quận thì thẩm quyền thuộc về Chủ tịch UBND TP.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cần bổ sung các quy định về thủ tục áp dụng các biện pháp này. Thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và tạo ra một khung pháp lý chặt chẽ cho quá trình áp dụng, tránh sự tùy tiện của chủ thể có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp này còn liên quan đến bên thứ ba là bên cung ứng dịch vụ điện nước. Vì vậy, nếu không quy định về thủ tục thì rất khó để có thể đảm bảo sự phối hợp của các DN cung ứng dịch vụ này.

Như vậy, việc bổ sung thêm biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trong Dự thảo Luật cần phải được xem xét một cách chi tiết và kĩ lưỡng dựa trên các tiêu chuẩn để đảm bảo tính toàn diện, thống nhất, đồng bộ, khách quan, minh bạch và hài hòa các lợi ích trong xã hội.

HĐND thành phố quyết định biên chế cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ
Cam kết ưu đãi rõ ràng giúp nhà khoa học yên tâm cống hiến cho Thủ đô
Nâng cao chất lượng thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.