Chế tài xử lý môi giới BĐS không có chứng chỉ hành nghề:

Không siết lại sẽ bất công với những môi giới BĐS đã chuẩn

Ngày 29/8, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khóa XV đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Tại nội dung này, ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc quản lý đối tượng môi giới BĐS được nhiều người quan tâm và tán đồng.
: Cần có chế tài xử lý môi giới BĐS không có chứng chỉ hành nghề Ảnh: PK
Cần có chế tài xử lý môi giới BĐS không có chứng chỉ hành nghề. Ảnh: PK

Môi giới BĐS không chứng chỉ hành nghề

Theo đó, góp ý dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm là thao túng, làm nhiễu loạn thị trường BĐS và quy định rõ dấu hiệu của việc thao túng, làm nhiễu loạn thị trường BĐS. Về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải đáp ứng các điều kiện: Có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; phải hành nghề trong một sàn giao dịch BĐS hoặc tổ chức môi giới. Để cơ quan quản lý Nhà nước quản lý tốt các đối tượng này, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chế tài xử lý cá nhân hoạt động môi giới BĐS không có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và không làm việc trong một tổ chức sàn kinh doanh BĐS.

Về trách nhiệm của chính quyền và chủ đầu tư, đại biểu đề nghị rà soát quy định cụ thể, rõ ràng hơn trách nhiệm của chính quyền và chủ đầu tư trong việc đảm bảo minh bạch thông tin để khách hàng chủ động, an toàn trong việc tìm, mua BĐS.

Không siết lại sẽ bất công

Tuy nhiên bấy lâu nay, gần như việc này bỏ ngỏ. Thực tế, bất cứ người nào từ những công viên chức Nhà nước đến những bà nội trợ, bán nước, xe ôm… đều có thể trở thành… môi giới BĐS.

Thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) hiện cả nước có 300.000 môi giới BĐS, nhưng chỉ có khoảng 30 – 40.000 môi giới đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản. Như vậy, số lượng môi giới BĐS chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ có đến hàng trăm, hai trăm nghìn người. Điều đáng nói, các môi giới “tay ngang” gia nhập thị trường BĐS, thậm chí tham gia đầu tư để thổi giá đất, lừa đảo khách hàng.

Về câu chuyện này, theo anh Phan Khánh, môi giới BĐS của Cty CP tập đoàn F cho rằng, việc cần có chế tài xử lý các môi giới BĐS không có chứng chỉ hành nghề, không làm việc tại một tổ chức kinh doanh BĐS nào (môi giới BĐS tự do) là việc hết sức cần thiết.

Anh Khánh cho biết, để thực hiện đúng quy định của pháp luật về nghề môi giới BĐS anh đã đi học lớp đào tạo để có chứng chỉ hành nghề: “Chương trình học để thi chứng chỉ này gồm có hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến BĐS như Luật Nhà ở, Đất đai, Xây dựng, Kinh doanh BĐS, Thương mại và Bộ Luật Dân sự. Bên cạnh đó còn có nội dung tổng quan về dịch vụ môi giới BĐS, đạo đức, các quy định về chống rửa tiền, các thủ tục trong quá trình giao dịch BĐS, cách soạn thảo hợp đồng, kỹ năng môi giới (thẩm định giá, bán hành: quảng cáo, giới thiệu, khuyến mãi, hậu mãi) các yếu tố tác động đến BĐS…”.

Mặc dù theo anh, một số quy định cụ thể về quy tắc ứng xử, đạo đức hành nghề của nghề môi giới cũng như mối quan hệ giữa người môi giới với các chủ thể khác còn mù mờ… nhưng các kiến thức mà môi giới BĐS phải học thực sự cần thiết.

Nếu không siết lại và có cách quản lý tốt các đối tượng này sẽ rất bất công cho những người môi giới BĐS đã chuẩn theo quy định. “Việc để những người môi giới BĐS tự do hoạt động sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Bởi không ràng buộc cũng như chịu trách nhiệm nên các môi giới này tự do đẩy giá nhà/đất lên hay xuống. Hoặc nhiều môi giới BĐS tự do sẽ có chiêu “gửi giá” với chủ nhà/đất. Số tiền “gửi” này có khi lên đến hàng trăm triệu” – anh Khánh cho biết. Các môi giới BĐS tự do thường sử dụng như đưa ra thông tin không rõ ràng, mập mờ nhằm thuyết phục khách hàng thiếu kinh nghiệm hoặc sử dụng “chim mồi” để dụ dỗ khách hàng xuống tiền… “Rõ ràng, bởi không bị ràng buộc về mặt pháp lý với cả người mua lẫn người bán, môi giới BĐS tự do chỉ chờ nhận được phí môi giới là phủi tay nên hầu như rủi ro sẽ thuộc về khách hàng” – anh nói.

Về quy định xử phạt với môi giới BĐS theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP, anh Khánh nói: “Nói là xử phạt từ 40 – 60 triệu, tuy nhiên ngoài 1 hay 2 trường hợp tôi biết ở Bắc Ninh thì chưa thấy Hà Nội xử phạt một trường hợp nào”. Tuy nhiên, muốn thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, và người dân thật sự thấy yên tâm khi lựa chọn giao dịch qua môi giới, có chế tài xử lý những cá nhân hành nghề môi giới BĐS không có chứng chỉ, không thuộc một sàn giao dịch nào là chưa đủ.

Theo đại diện VARS, cần quản lý chặt chẽ những cá nhân hành nghề môi giới BĐS chính thức tại sàn giao dịch BĐS. Hoạt động của sàn giao dịch BĐS và môi giới BĐS cùng phải đảm bảo chuyên nghiệp, kỹ năng hành nghề cao, năng lực hỗ trợ công việc đạt chuẩn, văn hóa đạo đức thành nguyên tắc không thể vi phạm... Muốn vậy, phải luật hóa với những quy định ràng buộc chặt chẽ hơn, mạnh hơn về hoạt động của sàn giao dịch và môi giới BĐS. Đặc biệt là quy định về vai trò, trách nhiệm của sàn giao dịch trong cung cấp thông tin, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, hoặc người mua nhà khi tham gia giao dịch…

Tại Điều 62 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS: Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải thành lập DN và phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập nhưng phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS được cấp cho cá nhân khi cá nhân có đủ các điều kiện như cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật dân sự; cá nhân có trình độ tốt nghiệp THPT trở lên; cá nhân đã qua sát hạch về kiến thức môi giới BĐS, quy định tại Điều 68 Luật Kinh Doanh BĐS. Đồng thời, tại a, khoản 1, Điều 59 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định.
Xây dựng các sàn giao dịch về việc làm, bất động sản và quyền sử dụng đất
Đại biểu Quốc hội: Làm rõ hành vi thao túng, để lành mạnh hóa thị trường bất động sản
Vì sao nhiều nhà đầu tư bất động sản chọn đấu giá để bán hàng?

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.