Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Nâng cao chất lượng thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Nhằm góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Phạm Đắc Thi và TS Trịnh Thúy Hương, trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp về nâng cao chất lượng thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam nhằm thực thi hiệu quả Dự thảo Luật.
Ảnh: Vũ Thanh Hùng -	Khoa Kịch hát dân tộc – trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội tổ chức Cuộc thi tài năng sinh viên năm 2022
Khoa Kịch hát dân tộc - trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tổ chức Cuộc thi tài năng sinh viên năm 2022. Ảnh: Vũ Thanh Hùng

Theo TS Phạm Đắc Thi và TS Trịnh Thúy Hương, để thực hiện được những mục tiêu của chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, những yêu cầu mới đặt ra đối với công tác đào tạo của trường như: Xây dựng trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thành trường trọng điểm quốc gia. Hướng tới xây dựng một số ngành đạt tiêu chuẩn khu vực; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, đưa các mối quan hệ hợp tác của nhà trường đi vào chiều sâu…

Mục tiêu hướng đến năm 2030 “là một trong các trường đào tạo sân khấu, điện ảnh, truyền hình có uy tín trong khối ASEAN”, xây dựng trường thành trường trọng điểm quốc gia trong đào tạo nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, truyền hình có uy tín trong khu vực, đủ năng lực để hội nhập quốc tế, làm nòng cốt cho các trường đào tạo nghệ thuật trong cả nước…. TS. Phạm Đắc Thi và TS Trịnh Thúy Hương cho rằng, cần tập trung làm tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục, quán triệt cho tất cả cán bộ, viên chức, nhân viên và người học trong toàn trường về nội dung của chiến lược. Trong thời gian tới, trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cần tiếp tục tuyên tuyền, tổ chức các hội thảo chuyên đề về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhằm tạo sự chuyển biến sâu rộng trong nhận thức của toàn trường. Trong đó, tập trung những nội dung gắn với việc thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…

Thứ hai, tập trung đổi mới về chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, để thực hiện hiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Trường cần phải chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao năng lực của người học trong các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường liên kết, hợp tác giữa nhà trường với các cơ sở giáo dục ĐH, các viện nghiên cứu cùng phát triển nguồn nhân lực nói riêng cũng như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói chung. Quan tâm hơn đến việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan; tham gia tập huấn chuyên môn về bảo vệ bản quyền và thu phí bản quyền có hiệu quả; đào tạo giảng viên thành đội ngũ chuyên gia trong các ngành công nghiệp văn hóa.

Thứ ba, gắn mục tiêu đào tạo với nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội, trước hết là của ngành văn hóa. Trường cần bám sát nhiệm vụ và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa cụ thể, trong đó có ngành điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh. Tập trung đào tạo những ngành nghề: Đạo diễn, nhà sản xuất, nhà biên kịch, nhà lý luận phê bình, quay phim, thiết kế mỹ thuật (sân khấu), kỹ thuật - công nghệ, diễn viên. Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên ngắn hạn trong và ngoài nước; chú trọng đào tạo giảng viên chính quy ở trong nước và ở những nước có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển. Khuyến khích các nhà biên kịch, đạo diễn phát huy tối đa tính sáng tạo trong quá trình xây dựng tác phẩm điện ảnh.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước nhằm mục tiêu tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Đối với Luật Thủ đô (sửa đổi) vấn đề thu hút đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo của Thủ đô, dự thảo Luật quy định cá nhân, tổ chức khi đầu tư vào ngành công nghiệp văn hóa (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh…) được hưởng ưu đãi (đã được xây dựng trong dự thảo nội dung “Về bảo vệ, phát triển văn hóa; phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô”).

Tuy nhiên, nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của công nghiệp văn hóa còn mờ nhạt, việc chỉ đạo của các cấp quản lý về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn chậm. Trong bối cảnh đó, trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội vẫn đang thực hiện sứ mạng, mục tiêu và tầm nhìn của mình, các nội dung này đều liên quan trực tiếp đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực của chiến lược phát triển các ngành văn hóa.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cần có sự nhận thức và đồng lòng của toàn xã hội, trong đó có những mũi nhọn được đầu tư, quan tâm là các nhân lực chất lượng cao được đào tạo bởi các trường ĐH, chỉ có như vậy mới có thể làm cho công nghiệp văn hóa nói riêng và văn hóa nói chung thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Các quy định bảo vệ môi trường cần đảm bảo tính thống nhất và phù hợp
HĐND thành phố quyết định biên chế cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ
Cam kết ưu đãi rõ ràng giúp nhà khoa học yên tâm cống hiến cho Thủ đô

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.