Tại sao không công khai danh tính của người mua dâm?

Mại dâm là một tệ nạn xã hội gây ra nhiều hệ lụy. Việc xử lý môi giới mại dâm đã được xử lý hình sự hóa. Nhưng có một số ý kiến thắc mắc rằng, tại sao chỉ có những người môi giới bán dâm bị công khai danh tính mà những người mua dâm lại không?
Người cầm đầu đường dây bán dâm nghìn đô mà CATP HCM mới triệt phá Ảnh: CACC
Người cầm đầu đường dây bán dâm nghìn đô mà CATP HCM mới triệt phá. Ảnh: CACC

Ngày 10/8, CQCA TP HCM đã triệt phá đường dây mại dâm quy mô lớn với sự tham gia của nhiều nữ tiếp viên hàng không và người mẫu ảnh. Theo kết quả điều tra ban đầu, Vỏ Thị Mỷ Hạnh (26 tuổi, trú quận Gò Vấp) từng là tiếp viên hàng không và đã nghỉ việc từ tháng 10/2022.

CQĐT xác định, Hạnh quản lý trên 30 gái bán dâm, trong đó có các nữ tiếp viên của nhiều hãng hàng không và nhiều hot girl, người mẫu ảnh nổi tiếng với giá bán dâm từ 1.000 - 3.000USD/lượt. Ngoài việc môi giới cho gái bán dâm trên địa bàn TP HCM, Hạnh còn môi giới cho gái bán dâm đi tua, đi tỉnh với số tiền thu lợi rất lớn.

Việc triệt phá những đường dây bán dâm nghìn đô không phải là hiếm. Trước đây, tháng 7/202, Cục CSĐT C02 đã triệt phá một đường dây mại dâm nghìn đô. Điều đáng nói, những gái mại dâm trong đường dây này đa phần là người mẫu, diễn viên, thậm chí có cả hoa hậu.

Việc CQCA triệt phá các đường dây mua bán dâm nghìn USD của các hotgirl, tiếp viên hàng không, người mẫu… là hành động triệt phá một trong những tệ nạn gây ra nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, nhiều người bức xúc đặt ra câu hỏi tại sao công khai danh tính người bán dâm mà không công khai danh tính người mua dâm? Liệu luật pháp có bất công?

Trước đó, đã có lần Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) đã đề xuất quy định công khai danh tính người mua dâm và đề nghị xử phạt bằng lao động công ích nhằm mong muốn làm giảm tệ nạn mại dâm. Theo đơn vị này, quy định này là nhằm muốn làm quyết liệt hơn việc phòng, chống mại dâm, đặc biệt là trong việc xử lý người mua dâm, vì nếu không có “cung”, “cầu” đương nhiên cũng sẽ không còn nữa.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, việc công khai danh tính sẽ tạo ra sự kì thị của gia đình và xã hội đối với người mua dâm. Họ bị mất danh dự với chính người thân là bố mẹ, vợ con, bạn bè, đồng nghiệp… Điều đó cũng tác động xấu đến cuộc sống những người thân của họ.

Đồng thời cũng có ý kiến cho rằng, số người mua dâm với số tiền nghìn USD không nhiều, mà thường người mua dâm thường là những người đơn thân, thanh niên chưa lập gia đình; người đã ly dị hoặc chưa có vợ, vợ chết; người làm ăn xa nhà, xa vợ con… Họ không được thỏa mãn nhu cầu tình dục, như vậy họ cần phải có một nơi để giải quyết nhu cầu thiết yếu đó của mình. Việc công khai danh tính của người mua dâm có thể sẽ giết chết hạnh phúc của một gia đình.

Nhìn nhận về mặt pháp luật, luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, pháp luật hiện nay đã rất sòng phẳng với người mua và người bán dâm. Theo luật sư Thu, về mặt chế tài thì pháp luật, mức phạt cao nhất cho hành vi mua dâm hiện nay là 10 triệu đồng, trong khi đó mức phạt tiền cao nhất cho hành vi bán dâm chỉ đến 500.000 đồng.

Về việc công khai danh tính, luật sư Thu phân tích, hiện nay không có quy định nào cho phép công khai tên tuổi, hình ảnh của cả người mua và người bán dâm. Việc công khai danh tính người mua bán dâm là vi phạm Hiến pháp năm 2013, gây ảnh hưởng đến đời sống bí mật riêng tư cá nhân gia đình.

Theo đó, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Còn trong Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020, tại Điều 72 vẫn quy định chỉ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả, gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.

Nghĩa là việc xử phạt hành chính về hành vi mua dâm, bán dâm không thuộc trường hợp CQCA được phép công khai quyết định xử phạt. Như vậy thì không có lý do gì được phép công khai danh tính của họ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Phá đường dây bán dâm “khủng”, có tiếp viên hàng không, người mẫu ảnh tham gia
Những đường dây bán dâm nghìn đô từng bị triệt phá
Góc nhìn pháp lý vụ tiếp viên hàng không bán dâm nghìn đô

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.