Thu hút, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, người có tài năng để phát triển Thủ đô Hà Nội

Việc Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trực tiếp đưa nội dung quy định về thu hút, trọng dụng người có năng lực đặc biệt, người có tài năng là một quy định mới cũng là sự khẳng định đó. Theo TS. Bùi Xuân Phái, Trường ĐH Luật Hà Nội, để có căn cứ đầy đủ, có sức thuyết phục và là một quy định có tính khả thi, hiệu quả, Dự thảo Luật cần xuất phát từ những luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng, chắc chắn.
Thu hút, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, người có tài năng để phát triển Thủ đô
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô năm 2022. Ảnh: TL

Góp ý cho Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS. Bùi Xuân Phái - Trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng, thứ nhất, cần rà soát lại toàn bộ chính sách trong việc thu hút, trọng dụng và phát triển nhân tài cho lĩnh vực công nói chung. Việc này nhằm tìm ra những điểm bất hợp lí, “bó cái khôn” trong công tác nhân sự. Chẳng hạn, nếu theo quy định của Dự thảo để thực hiện chính sách thì tại Điều 18 “Thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (mới)”.

Người có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển của một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô Hà Nội được hưởng các ưu đãi về tuyển dụng, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo và các ưu đãi khác.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của TP Hà Nội được quyền: Xét tuyển và tiếp nhận những người quy định tại khoản 1 Điều này vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; Nhưng quy định này khác biệt với Điều 10 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chỉnh phủ quy định về tuyển dụng, quản lí, sử dụng cán bộ công chức, cụ thể:

“Điều 10. Đối tượng xét tuyển công chức: Việc tuyển dụng công chức thông qua hình thức xét tuyển do cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định và được thực hiện riêng đối với từng nhóm đối tượng sau đây: Người cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

Việc tuyển dụng đối với nhóm đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”.

Tất nhiên, nếu Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua thì quy định trên sẽ không còn được áp dụng trên phạm vi Thủ đô nhưng nó cũng chứng tỏ một quy định có thể đã trở nên lỗi thời trên phạm vi cả nước. Việc rà soát, đánh giá các quy định hiện hành sẽ là cơ hội tốt để tạo nên tính phù hợp, đồng bộ giữa các quy định của pháp luật với nhau và giữa luật Thủ đô với các văn bản pháp luật khác.

Thứ hai, cần phải có một khảo sát hoặc điều tra xã hội học trên phạm vi toàn xã hội và đặc biệt trên phạm vi Hà Nội về tình hình sinh viên tốt nghiệp ra trường - nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay, đặc biệt là những đối tượng là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc.

Khảo sát này cần chú trọng các nội dung về số lượng, về nhu cầu (của xã hội và của chính sinh viên), về tâm lí trong cống hiến, phục vụ, về mức thu nhập, khả năng sắp xếp vị trí việc làm, về cơ hội thăng tiến, cơ hội được phát triển, trong đó có cả cơ hội được đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nâng cao… Việc khảo sát này cần đặt trong tương quan so sánh với lĩnh vực tư… Trên cơ sở kết quả điều tra, có thể tiến hành điều chỉnh đồng bộ các quy định của pháp luật về chính sách này.

Thứ ba, cần nghiên cứu kĩ hơn về thực trạng công chức đang tại vị. Nếu cần phải điều tra hay khảo sát tương tự như đề xuất thứ hai để có đánh giá và điều chỉnh kịp thời nhằm “giữ chân” những người có năng lực thực sự đang làm việc trong lĩnh vực công.

Việc khảo sát phải có tính thực chất vì người ta có thể đặt câu hỏi: “nếu không được trọng dụng, đãi ngộ không đủ tốt… mà tại sao vẫn có nhiều người muốn vào các cơ quan, đơn vị của nhà nước?” Với câu hỏi này, cần xác định đối tượng được tuyển dụng trong thời gian gần đây, có liên quan đến “5 chữ ệ” đã nêu ở trên và mục đích vào các cơ quan, đơn vị nhà nước.

Thứ tư, cần chú ý tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai, phát hiện kịp thời các tài năng, đồng thời có kế hoạch trong việc sử dụng hay trọng dụng các đối tượng này. Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo sinh viên chất lượng cao hoặc sinh viên tài năng. Tuy nhiên, các chương trình này chủ yếu phục vụ cho những sinh viên và gia đình sinh viên có điều kiện chứ chưa phải là sự quan tâm, chú trọng từ phía nhà nước.

Thứ năm, nghiên cứu kinh nghiệm lịch sử và quốc tế trong việc sử dụng nhân tài để rút ra những bài học có thể áp dụng được cho Hà Nội, trong đó đặc biệt là bài học về phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ thỏa đáng. Có một vấn đề đặt ra từ kinh nghiệm thực tế là nhiều khi việc bố trí cán bộ, công chức vào vị trí, việc làm trong lĩnh vực công đã dựa vào lí lịch hoặc những yếu tố khác không liên quan đến chuyên môn. Nói như đồng chí Tổng Bí thư trong thời gian gần đây là “thấy đỏ đừng tưởng là chín” nên đã chọn nhầm đối tượng.

Do vậy, TS. Bùi Xuân Phái cho biết, việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao, người có tài năng phải có một sự thử thách nhất định để kiểm tra, đánh giá. Muốn thu hút phải có nguồn, cần phải tạo nguồn, tìm nguồn, duy trì nguồn, hình thành chính sách rõ ràng để từ đó mới có thể thực hiện việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, người có năng lực thực sự.

Tham vấn cộng đồng trong quy hoạch và quản lý, sử dụng đất đai Tham vấn cộng đồng trong quy hoạch và quản lý, sử dụng đất đai
Phân quyền cho Thủ đô trong công tác cán bộ, tổ chức bộ máy biên chế Phân quyền cho Thủ đô trong công tác cán bộ, tổ chức bộ máy biên chế

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.