Đến nay, Hà Nội đã giảm được 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị. |
Xu hướng tiêu dùng hiện nay đang tập trung nhiều vào các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến sản phẩm đầu ra. Người tiêu dùng cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, sự thông minh và tiện dụng của sản phẩm. Đặc biệt là những sản phẩm ưu tiên cho bảo vệ sức khoẻ, tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường.
Đã thành thói quen, mỗi lần đi chợ, bà Phạm Hải Thanh (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) lại mang theo chiếc làn đan bằng mây tre để đựng đồ. Bà Thanh chia sẻ: "Hàng ngày đi chợ, tôi mang theo chiếc làn này để đựng thực phẩm như rau, củ, quả. Tôi cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon, bởi nó gây hại cho môi trường sống của chúng ta”.
Cũng quan điểm, chị Lê Thị Minh (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cho hay, mỗi lần đi mua thực phẩm chế biến sẵn, chị thường mang theo hộp thủy tinh để đựng. Chị từ chối việc đựng đồ vào hộp nhựa hay túi nilon vì theo chị việc này vừa lãng phí vừa gây hại cho môi trường mà lại không tốt cho sức khỏe.
"Những ngày bận mà khoogn đi chợ mua thực phẩm, đồ uống được, tôi cũng thường đặt đồ uống online, ngoài những món đồ uống mình thích thì tôi thường xem cửa hàng nào sử dụng cốc, ống hút bằng giấy hoặc tre, nứa, nhìn chung là dụng cụ thân thiện với môi trường hoặc tái sử dụng được thì tôi mới đặt. Đó đã trở thành thói quen tiêu dùng của tôi" - chị Minh chia sẻ.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng… với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.
Đồng thời, triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Theo đánh giá sơ bộ, việc triển khai chương trình đã giúp khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng. Giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị. 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
“Để thay đổi thói quen tiêu dùng sẽ phải mất nhiều thời gian, nhưng với sự sẵn sàng của người tiêu dùng, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và sự cam kết chung tay của các doanh nghiệp, chắc chắn xu hướng tiêu dùng xanh tại Thủ đô sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn” – bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam với Hà Nội và TPHCM, 95% người tiêu dùng đã có ý thức về bảo vệ môi trường, 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới; 61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng; 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa… Đáng lưu ý, gần 90% người tiêu dùng ủng hộ những công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội; 43% người tiêu dùng có ấn tượng tốt về nhãn hàng, doanh nghiệp thân thiện với môi trường. |
Hà Nội: Khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường | |
Xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững nổi bật trong năm 2023 |
Đào Tuyết
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-xu-huong-tieu-dung-xanh-se-ngay-cang-lan-toa-va-phat-trien-manh-me-hon-343974.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.