Hà Nội: Kết nối các nhà cung ứng sản phẩm thân thiện môi trường

Ngày 25/5, tại Trung tâm thương mại Trương Định Plaza (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Sở Công thương Hà Nội phối hợp UBND quận Hoàng Mai tổ chức chương trình Mạng lưới liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường năm 2023.
Các đại biểu cắt băng khai mạc tại buổi lễ
Các đại biểu cắt băng khai mạc tại buổi lễ

Sự kiện diễn ra từ ngày 25-27/5/2023 tại Trung tâm thương mại Trương Định Plaza, số 461 đường Trương Định, phường Tân Mai (Hoàng Mai - Hà Nội). Đây là hoạt động thực hiện Kế hoạch số 293/KH-UBND ngày 11/11/2022 của UBND Thành phố về Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2023 trên địa bàn Hà Nội.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp TP Hà Nội Đào Hồng Thái cho biết: Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 theo quyết định 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đổi mới, đẩy mạnh mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025; Thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về Sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2023, trong đó nhiệm vụ Xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường, nhằm nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu dùng; sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới nền kinh tế thấp cacbon theo mô hình tăng trưởng xanh, đáp ứng nhu cầu hội nhập hiện nay.

Chương trình Mạng lưới liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường năm 2023 có quy mô 30 gian hàng với nhiều sản phẩm khác nhau như: Túi xách, bao bì tái chế; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến, đồ gia dụng… đây là dịp để các cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phâm thân thiện với môi trường tới các đối tác, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Các đại biểu thăm gian trưng bày sản phẩm thân thiện với môi trường
Các đại biểu thăm gian trưng bày sản phẩm thân thiện với môi trường

Thông qua sự kiện này, Thành phố mong muốn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối và người tiêu dùng áp dụng các giải pháp, phương thức đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, liên kết bền vững để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, các giải pháp giảm thiêu rác thải có nguồn gốc từ nhựa, thay thế bằng các sản phẩm tự phân hủy, thân thiện với môi trường, tăng cường sản xuất xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

“Đặc biệt, chương trình sẽ là cầu nối kết nối giao thương, hợp tác giữa cơ sở phân phối bán lẻ với nhà cung ứng về sản phẩm, giúp cải thiện sức mua, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững” - ông Đào Hồng Thái nhấn mạnh.

Các hoạt động chính của Chương trình gồm: Trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thân thiện môi trường của các nhà cung ứng trong và ngoài địa bàn Thành phố; kết nối kinh doanh; liên kết hợp tác sản xuất, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, thương mại, tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội. Chương trình thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của thành phố Hà Nội trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tự hủy, tái sử dụng và các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế Xanh của Thủ đô.

Chương trình Mạng lưới liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường năm 2023 thể hiện sự đồng hành của thành phố Hà Nội cùng người dân Thủ đô thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường. Chương trình thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của thành phố Hà Nội trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.

Các đại biểu thăm quan các gian trưng bày tại sự kiện.
Các đại biểu thăm quan các gian trưng bày tại sự kiện.

Cũng theo ông Đào Hồng Thái, nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như: Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành sơn mài thành phố Hà Nội năm 2019 tại Làng nghề Hạ Thái, Thường Tín; Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội năm 2020 cho nhóm ngành Mây tre đan, Chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tại huyện Chương Mỹ; Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành chế biến nông sản thành phố Hà Nội năm 2020 tại huyện Quốc Oai; Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành gốm sứ thành phố Hà Nội năm 2020 tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm; Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo năm 2020 tại huyện Thường Tín; Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững Làng nghề truyền thống thành phố Hà Nội năm 2021 tại huyện Thường Tín; Kết nối Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững sản phẩm thời trang thành phố Hà Nội năm 2021; Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho nhóm ngành Đồ gỗ mỹ nghệ - Nội thất năm 2022 tại quận Nam Từ Liêm; Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững sản phẩm làng nghề truyền thống thành phố Hà Nội năm 2022 tại huyện Thanh Trì...

"Những chương trình, hoạt động trên đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững và gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Một số tổ chức, cá nhân đã có những hành động thiết thực trong việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường như: từng bước xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững, thiết kế sản phẩm bền vững, xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất của mình từ khâu nguyên liệu đầu vào đến áp dụng công nghệ, sản phẩm và các dịch vụ bán hàng góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững", ông Đào Hồng Thái cho hay.

Tiếp nối sự kiện này, trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức chuỗi sự kiện: “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm làng nghề chứng nhận OCOP năm 2023” tại huyện Phú Xuyên; “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may – thời trang” tại quận Hà Đông và “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành điện tử, đồ gia dụng” tại quận Long Biên;… Chuỗi sự kiện sẽ đem đến cái nhìn tổng thể hơn về Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững, đồng thời làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch Thành phố, phục vụ tốt nhất du khách đến với Thủ đô.

Hà Nội: Chủ động cải thiện mẫu mã, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP
Hà Nội: Hoạt động kết nối rất quan trọng đối với các sản phẩm OCOP
Hà Nội: Hạn chế tối đa các sản phẩm OCOP tươi sống

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.