Hà Nội được xếp hạng 1 trên toàn quốc về đổi mới sáng tạo năm 2022

Ban chỉ đạo chương trình Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” đặt mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế; tốc độ gia tăng đăng ký sáng chế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Những năm trở lại đây, nhiều DN khởi nghiệp của TP Hà Nội đã chuyển đổi số tương đối thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Khánh Huy
Những năm trở lại đây, nhiều DN khởi nghiệp của TP Hà Nội đã chuyển đổi số tương đối thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Khánh Huy

Chi 35 tỷ đồng hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo

Trong năm 2021, Hà Nội đã chi hơn 20 tỷ đồng và hơn 15 tỷ đồng trong năm 2022 để triển khai các nhiệm vụ của Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và kế hoạch hỗ trợ DN chuyển đổi số trên địa bàn.

Năm 2022, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội là 13.663 (chiếm 33,8% và đứng đầu cả nước). Số lượng bằng/giấy chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp năm 2022 trên địa bàn TP là 10.387 (chiếm 33,0% và đứng thứ hai cả nước).

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chương trình, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đánh giá, đưa ra giải pháp hỗ trợ DN thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Qua đó, Hà Nội được xếp hạng 1 trên toàn quốc về đổi mới sáng tạo năm 2022.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, điển hình trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều DN, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô và xuất khẩu...

Theo đánh giá, hiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Chưa có chính sách rõ ràng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gồm quỹ tài trợ vốn, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư mạo hiểm, khuyến khích các chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo trong trường học...

Thành công lớn của Chương trình số 07-CTr/TU là sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của các đơn vị, sở ngành đối với vấn đề khoa học và công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chỉ đạo triển khai của một số cấp ủy đảng, Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chưa quyết liệt, sâu sát. Việc xây dựng, ban hành một số đề án, kế hoạch, chuyên đề còn chậm so với tiến độ đề ra.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh, không tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh thu giảm mạnh, phải cho nhiều lao động nghỉ việc…Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt là với những ý tưởng khởi nghiệp của người trẻ.

Nhiều DN chuyển đổi số thành công

Những năm trở lại đây, nhiều DN khởi nghiệp của TP Hà Nội đã chuyển đổi số tương đối thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, nhiều DN đã vươn lên khẳng định thương hiệu của mình, ký kết được các hợp đồng lớn để bán hàng hóa cho đối tác trong nước, nước ngoài, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.

Để có được thành công đó, nhiều start-up trẻ đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng những lợi thế mà quyền sở hữu trí tuệ mang lại với ý tưởng khởi nghiệp của mình. Các công cụ của hệ thống sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và các đối tượng khác - đã hỗ trợ họ thực hiện tham vọng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Tuy triển khai vào giai đoạn rất khó khăn của cả nước cũng như TP Hà Nội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Sở Khoa học và Công nghệ vẫn quyết liệt vào cuộc hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo của người trẻ và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các start-up đổi mới sáng tạo đã được TP ban hành sau khi có Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và các nghị định hướng dẫn liên quan.

Riêng đối với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, với các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ tham mưu ban hành biểu mẫu và quy trình hỗ trợ kinh phí các nhiệm vụ trong Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn năm 2019 - 2025”; góp ý quản lý sản phẩm OCOP trên địa bàn TP. Công tác tư vấn hướng dẫn xác lập quyền sở hữu công nghiệp là công việc thường xuyên của phòng nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiến hành đăng ký thuận lợi, nhanh chóng và chính xác, giảm thời gian phải sửa chữa sai sót.

Để đẩy mạnh triển khai thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Chương trình 07 trong nửa cuối nhiệm kỳ, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã đề nghị các Sở, ngành, địa phương tiếp tục thống nhất nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tiềm năng và nguồn lực tri thức phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển, trong đó tập trung vào hoàn thiện nội dung đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Cùng với đó, tổ chức hội nghị nhằm huy động trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để tham mưu, đóng góp ý kiến cho nội dung chính sách.

Đặc biệt là hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội làm đầu mối giúp TP xây dựng mạng lưới sáng kiến Hà Nội; trong đó, huy động nguồn lực khoa học và công nghệ từ các trường ĐH, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu lớn trên địa bàn.

Những mô hình hay, cách làm sáng tạo cần được nhân rộng
Hà Nội: 15 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022
Hải Phòng xếp hạng thứ mấy về Chỉ số cải cách hành chính năm 2022?
Hà Nội - trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu đất nước

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.