Cần sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật

Số liệu báo cáo của các địa phương, năm 2022 có 10.596/10.599 đơn vị cấp xã trên cả nước đã triển khai đánh giá, đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó 10.086/10.596 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt 95.2%.
Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật. Ảnh VGP/LS
Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật. Ảnh VGP/LS

Những khó khăn, vướng mắc

Theo Bộ Tư pháp, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn tồn tại khó khăn, tại một số địa phương, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp chưa thực sự sát sao trong hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giải đáp khó khăn, vướng mắc; công tác kiểm tra, tập huấn chưa kịp thời, thường xuyên để hỗ trợ cho cấp xã triển khai nhiệm vụ đúng yêu cầu và quy định.

Về quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chưa phát huy vai trò, sự tham gia của các công chức chuyên môn theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu trong phối hợp tổ chức triển khai nhiệm vụ. Thời gian đánh giá, đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại một số nơi chưa thực hiện đúng quy định; chậm tham mưu, ban hành Quyết định công bố cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Việc đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và tổng hợp hồ sơ, văn bản, tài liệu kiểm chứng ở một số địa phương chưa đảm bảo theo quy định, dẫn đến khó khăn khi đánh giá, công nhận, kiểm tra kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Một số nơi chấm điểm, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu còn hình thức, không có đầy đủ tài liệu kiểm chứng kết quả thực hiện. Nhiều địa phương còn lúng túng về cách tiếp cận, triển khai một số chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu mới về mô hình PBGDPL hiệu quả tại cơ sở.

Đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch, cán bộ, công chức cấp xã còn hạn chế về nghiệp vụ, trong bối cảnh nhiệm vụ nhiều, nhân lực mỏng, nguồn lực thấp. Kiểm tra thực tế cho thấy công chức cấp xã chưa nắm vững các văn bản để tham mưu, tổ chức triển khai nhiệm vụ đúng quy định, đảm bảo chất lượng…

Nguồn lực, ngân sách Nhà nước bố trí kinh phí cho cơ quan Tư pháp các cấp triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg còn hạn chế, chưa tương xứng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhiều địa phương chưa được bố trí kinh phí riêng. Nhiệm vụ xây dựng, vận hành phần mềm đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong phạm vi cả nước chưa được triển khai vì liên quan đến thủ tục theo quy định về đầu tư công trung hạn.

Các tiêu chí, chỉ tiêu theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP có một số sửa đổi, bổ sung mới, do nguồn lực, kinh phí hạn hẹp, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp chưa có điều kiện tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu và rộng rãi cho cơ sở, dẫn đến việc triển khai nhiệm vụ và tổ chức chấm điểm, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu, chuẩn bị tài liệu phục vụ đánh giá còn lúng túng, có nơi vẫn hình thức…

Đề nghị phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành

Bộ Tư pháp kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Bộ NN&PTNT, Bộ VH-TT&DL phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc rà soát, tham mưu thực hiện thống nhất thời điểm, cách thức đánh giá các chuẩn tiếp cận pháp luật, chuẩn nông thôn mới và chuẩn đô thị văn minh đảm bảo phù hợp, khả thi và thuận lợi cho địa phương triển khai thực hiện.

Bộ Tài chính tham mưu việc bảo đảm, bố trí kinh phí hàng năm cho cơ quan Tư pháp và địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, ưu tiên nguồn lực tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp, đặc biệt cấp cơ sở, chú trọng các kiến thức và kỹ năng xây dựng VBQPPL, hòa giải ở cơ sở.

Bộ KH&ĐT xem xét, kịp thời đưa nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng phần mềm quản lý và phục vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào các chương trình, dự án, kế hoạch đầu tư công….

Bộ NN&PTNT, Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban Dân tộc ưu tiên nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho việc triển khai các giải pháp thúc đẩy thực hiện các tiêu chí tiếp cận thông tin pháp luật, PBGDPL, hòa giải ở cơ sở góp phần phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo đa chiều bền vững và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu việc bổ sung trách nhiệm của chính quyền địa phương về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong quá trình tổng kết, hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đề nghị các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở; Bộ NN&PTNT, Bộ VH-TT&DL, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đề nghị UBND cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, bố trí kinh phí tổ chức thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2021/TT-BTP tại địa phương kịp thời, hiệu quả, đúng trách nhiệm quy định, gắn với nguồn lực và mục tiêu thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

Học sinh dễ tiếp cận kiến thức pháp luật qua phiên tòa giả định
Nhiều quận, huyện có tỷ lệ 100% phường, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
95,2% xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.