Hà Nội: Người dân được cấp chữ ký số miễn phí khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Thực hiện Đề án 06: “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 06 TP Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân và có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả…
-	Lực lượng CA, đoàn viên thanh niên Hà Nội hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Lực lượng CA, đoàn viên thanh niên Hà Nội hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Để triển khai thực hiện Đề án 06, TP Hà Nội đã tập trung phát huy các thế mạnh về nguồn nhân lực, triển khai hiệu quả những mô hình thực hiện thủ tục hành chính và có nhiều cách làm sáng tạo như thành lập “Tổ cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”, các mô hình “Ngày thứ sáu xanh”, “Ngày thứ ba không viết”, “Ngày thứ bảy tình nguyện hỗ trợ Nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24/24” tại các nhà văn hóa...

Đặc biệt, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình là địa bàn điểm của TP đã xây dựng và triển khai mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, cầm tay hướng dẫn từng người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến" đã mang lại kết quả hữu ích cho người dân…

Đến nay, các tổ công tác, đội cơ động tại cơ sở trên địa bàn Hà Nội đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền hướng dẫn người dân nhận thức được tiện ích của dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm được thời gian và công sức cho người dân khi không phải làm thủ tục hành chính trực tiếp.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 06 của UBND TP Hà Nội về tình hình triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn TP trong tháng 4/2023. Theo đó, trong tháng 4 hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang tổ chức vận hành thử nghiệm từ ngày 11/4//2023 đến ngày 28/4/2023 với phạm vi triển khai tại các sở, ngành, UBND các quận huyện, thị xã, xã, phương, thị trấn. TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành TP tiếp tục thực hiện việc rà soát các loại phí, lệ phí theo hình thức dịch vụ công trực tuyến chủ động đề xuất miễn giảm phí, lệ phí đối với từng loại thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND TP.

Hiện nay đã có 2 Sở đề đề xuất chủ trương miễn, giảm phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền của HĐND TP: Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất miễn 100% lệ phí đối với 3 nhóm thủ tục cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Liên hiệp Hợp tác xã và Hộ kinh doanh. Còn Sở Tư pháp Hà Nội đề xuất miễn lệ phí đăng ký hộ tịch theo hình thức trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã.

UBND TP đã thống nhất về chủ trương triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho người dân khi sử dụng công trực tuyến theo đề xuất của Sở Thông tin và truyền thông. Đến nay, TP đã triển khai thực hiện việc cấp chữ kỹ số công cộng miễn phí cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Tính đến ngày 20/4/2023, 4 nhà mạng VNPT, Viettel, FPT, BKAV đã thực hiện cấp 2.485 chữ ký số cho công dân và tiếp tục thực hiện tại các đơn vị trên địa bàn TP.

Việc rà soát, công bố, công khai, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận nơi cư trú, TP đã tạp trung chỉ đạo và quán triệt, chấn chỉnh việc thực hiện, rà soát và xác định 65 thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền của TP có thành phần hồ sơ là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy phải nộp hoặc xuất trình khi thực hiện thủ tục hành chính.

Yêu cầu 100% cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang chỉ thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tuyên truyền người thân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hạn chế nộp hồ sơ trực tiếp. Sở Nội vụ đã có văn bản tuyên truyền, vận động 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu thực hiện và vận động người thân, gia đình thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06, đưa nội dung thành tiêu chí xét thi đưa trong nội bộ đơn vị.

TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của Đề án số 06 đến mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô, huy động, lực lượng đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức là những tuyên truyền viên trong việc vận động, hướng dẫn người dân, tổ chức đăng ký tài khoản định danh điện tử, cài đặt và kích hoạt ứng dụng VNeID, tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Việc sử dụng CCCD thay thể thẻ BHYT trong khám chữa bệnh, TP đã có 4.734.1888 người có thể BHYT được đồng bộ, xác thực dữ liệu với CCCD, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh, có 586 cơ sỏ khám chữa bệnh BHYT đã áp dụng, sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; 237.177 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh.

Hà Nội: Tiếp tục cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp
Hà Nội miễn, giảm phí, lệ phí đối với dịch vụ công trực tuyến
Khai trương gian hàng cấp miễn phí chữ ký số cho công dân tại Hà Nội

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.