Cần gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân về chính sách tài chính

Sáng 25/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại Nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới.
Cần gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân về chính sách tài chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các bộ, ngành đồng hàng cùng doanh nghiệp

Tại cuộc họp cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Quý I/2023 tăng trưởng kinh tế nước ta thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 do cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Để kinh tế phục hồi nhanh và phát triển bền vững cần phải đánh giá, đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; trong đó tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, ban hành nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành 2 thông tư hướng dẫn thực hiện các giải pháp liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nhờ đó các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp từng bước được tháo gỡ, tình hình sản xuất, kinh doanh được thúc đẩy.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản pháp lý, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, trước hết phải sử dụng các công cụ của Nhà nước, của ngân hàng để tiếp tục khơi dậy sức mạnh chung của đất nước, huy động nguồn lực để phát triển, đặc biệt là để tháo gỡ khó khăn trong lúc này. Cơ chế, chính sách là huy động nguồn lực, tạo ra động lực và chúng ta cũng lấy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, lấy nguồn lực của Nhà nước để kích hoạt và huy động mọi nguồn lực xã hội.

Kinh nghiệm cho thấy, khi thay đổi cơ chế, thay đổi một số nhiệm vụ giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với ý Đảng, lòng dân thì cơ chế đó được phát huy rất nhanh. Thực tế chuỗi việc làm vừa qua, các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, các ngành vào cuộc thì tình hình đã thay đổi.

Thủ tướng nhấn mạnh trong lúc người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành và sử dụng hết các công cụ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ, trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro"; cần tổ chức thực hiện thật tốt các chính sách đã ban hành, đồng thời xem xét, nghiên cứu ban hành các chính sách mới đột phá, đưa các chính sách thực sự đi vào cuộc sống, các thị trường có thêm nguồn lực, động lực để phát triển, tăng cả tổng cầu, tổng cung, góp phần thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.

Cần gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân về chính sách tài chính

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Tình hình thanh khoản, hấp thụ vốn của doanh nghiệp, người dân tăng lên. Một số vướng mắc tại các dự án bất động sản, nhất là ở các thành phố lớn cần được tập trung tháo gỡ, đặc biệt là các vướng mắc liên quan thể chế…

Do đó cùng với tiếp tục rà soát thủ tục, điều chỉnh pháp lý, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường, trong đó cần chỉ rõ, cụ thể hóa từng việc và xác định rõ trách nhiệm trong việc thực thi.

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng sử dụng hết các công cụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các văn bản, chỉ đạo đã ban hành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý; chủ trì tổ chức thực hiện, đồng thời kiểm tra giám sát việc thực thi đảm bảo cụ thể, "việc gì, ở đâu, ai làm, bao giờ hoàn thành" đối với thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Theo đó, đối với thị trường tài chính: Hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và an toàn hệ thống; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và giảm sát thực hiện chính sách theo quy định pháp luật, hạn chế rủi ro, không để lạm dụng, trục lợi, thất thoát, vi phạm pháp luật; nhất là việc giảm lãi suất huy động và cho vay, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất, giữa lãi suất và lạm phát, tăng khả năng tiếp cận vốn, hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phải đưa ra các công cụ, cách thức, phương pháp để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có đủ điều kiện để thanh toán cho các trái chủ, theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với thị trường bất động sản, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để hoàn thành các công trình, dự án đưa các sản phẩm vào thị trường. Cùng với đó giải quyết các thủ tục hành chính quy hoạch; doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại các phân khúc; sử dụng hiệu quả nguồn vốn 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Thủ tướng cho rằng các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng tín dụng của nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng này cần tham gia dẫn dắt, điều tiết thị trường, tạo động lực, truyền cảm hứng cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ nền kinh tế phát triển; tiếp tục nỗ lực giảm chi phí đầu vào bằng các biện pháp như đổi mới công nghệ, quản trị, tăng cường chuyển đổi số…; giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay; có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể, hướng tín dụng vào đúng vào các địa chỉ, lĩnh vực cần thiết.

Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, phương án giảm 2% thuế VAT, giảm tiền thuê đất… để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Khẩn trương hoàn thiện việc đánh giá tác động và đề xuất phương án với việc OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; sớm rà soát điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng để có đề xuất điều chỉnh phù hợp; kịp thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trách nhiệm của Chính phủ là chỉ đạo, điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; chính sách tiền tệ hợp lý, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; cân bằng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%
Bộ Tài chính: Thu ngân sách Nhà nước quý I/2023 đạt 491,5 nghìn tỷ đồng
Vì sao Bộ Tài chính không đồng ý giảm 50% phí trước bạ với ô tô trong nước?

Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.