Công cuộc phòng chống tham nhũng qua các vụ án:

Kỳ cuối: Phát huy dân chủ để người dân gia giám sát

Sau những đại án AIC, Vn Pharma, bán rẻ đất vàng ở Bình Dương… sẽ tiếp tục những đại án được đưa ra xét xử. Hàng loạt cán bộ chủ chốt, nguyên là lãnh đạo cấp cao vi phạm đã và sẽ tiếp tục bị xử lý hình sự với những bản án nghiêm khắc…
Nhóm bị can nguyên là cán bộ giữ chức vụ tại Bộ Ngoại giao bị truy tố tội “Nhận hối lộ” trong vụ án “chuyến bay giải cứu”
Nhóm bị can nguyên là cán bộ giữ chức vụ tại Bộ Ngoại giao bị truy tố tội “Nhận hối lộ” trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.

Đó là bài học răn đe mạnh mẽ, đanh thép cho những người chuẩn bị có hành vi tham nhũng, là bài học vừa đau xót nhưng cũng vô cùng hữu ích cho công cuộc phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.

“Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây…”

Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 tháng 12/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có cho biết, kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian qua càng chứng tỏ chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo, quan điểm: "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".

Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Số đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng tăng 16.100 đảng viên so với 10 năm trước.

Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ Đại hội XI và gần bằng một nửa số cán bộ cao cấp bị xử lý của nhiệm kỳ Đại hội XII. Trong đó, có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó, riêng tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII (tháng 1/2021) đến 2022, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can).

Đặc biệt, thời gian gần đây, đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

Liên quan công tác thu hồi tài sản tham nhũng, theo Ban Nội chính Trung ương, đã "có chuyển biến tích cực". Cụ thể, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.

Tăng cường sưn giám sát của Nhân dân

Những con số trên cho thấy quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, đưa nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này không chỉ là tuyên ngôn chính trị mà đã trở thành hành động thực tế… Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Nhà nước, tướng lĩnh, sĩ quan trong công an, quân đội, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu, theo đúng tinh thần: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Để thực hiện đúng với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và để cho “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, cần tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, đồng bộ và cần có những giải pháp.

Tại Hội thảo “Phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật” đầu tháng 4/2023, cac đại biểu đều thống nhất cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động lập pháp, ngăn chặn cài cắm lợi ich nhóm trong chính sách, pháp luật; tăng cường thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực.

Tiếp tục hoàn thiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong hoạt động lập pháp, nhất là chú trọng công tác thẩm tra, thẩm định.

Các cơ quan soạn thảo cần thực hiện nghiêm túc quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhất là việc tổng kết thực tiễn thi hành, đánh giá tác động chính sách, đánh giá thủ tục hành chính đầy đủ, chất lượng, xây dựng chính sách minh bạch, cụ thể, rõ ràng, đồng bộ, đúng thẩm quyền.

Một giải pháp khác để kiểm soát quyền lực, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, phải thực hiện tốt việc phát hiện, tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó kiểm tra cả của Đảng, vì những người nắm giữ quyền lực Nhà nước ở những vị trí quan trọng đều là đảng viên. Cùng với đẩy mạnh thanh tra, phải tăng cường hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội một cách nghiêm minh.

"Sự giám sát của người dân cùng các cơ quan dân cử, MTTQ và các tổ chức đoàn thể cũng rất quan trọng trong góp phần kiểm soát quyền lực. Muốn làm được đó cần có cơ chế phát huy dân chủ để người dân có thể tham gia giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đồng thời động viên, khuyến khích và có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng", đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường nêu quan điểm.

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng sau kỳ họp thứ 3 vào tháng 6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trăn trở: “Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ đã nói, phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây”.
Công cuộc phòng chống tham nhũng qua các vụ án - Kỳ 1: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”
Công cuộc phòng chống tham nhũng qua các vụ án - Kỳ 2: AIC và điển hình của lợi ích nhóm

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.