Khi AI "lấn sân" sang lĩnh vực nghệ thuật

AI - Trí tuệ nhân tạo ngày càng khẳng định chỗ đứng vững chắc trong dòng chảy công nghệ. Âm nhạc cũng không nằm ngoài vùng tác động. Ca sĩ thần tượng ảo Ann mới ra mắt gần đây thông qua MV (video âm nhạc) “Làm sao nói thương anh” tiếp tục gây chú ý trong đời sống âm nhạc Việt.
Ca sĩ thần tượng ảo Ann mới ra mắt MV “Làm sao nói thương anh”
Ca sĩ thần tượng ảo Ann mới ra mắt MV “Làm sao nói thương anh”

Trước đó, hai ca sĩ siêu thực (ca sĩ được tạo nên bởi công nghệ) Michau và Damsan đã tạo nên những trải nghiệm thú vị tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP HCM - Hozo 2022. “Làm sao nói thương anh” là sáng tác mới của Kim Ngân về tình yêu đơn phương trong sáng, thuần khiết của một cô gái. MV bám sát lời bài hát, kể câu chuyện của cô gái ảo tên Ann thầm yêu một chàng trai người thật.

Về diện mạo, Ann được tạo hình là một ca sĩ 18 tuổi, mang phong cách nhẹ nhàng và trẻ trung. Đặc biệt, Ann sở hữu nhiều đường nét châu Á như gương mặt nhỏ nhắn, mắt to tròn, đôi môi căng mọng... "Chúng tôi chọn độ tuổi này vì là tuổi đẹp nhất của người con gái. Dù là ca sĩ ảo nhưng giao diện bên ngoài của cô ấy không hoàn hảo 100% từ tóc, da đến mặt mũi. Bởi lẽ không có một idol nào hoàn hảo cả", đại diện ê-kíp chia sẻ.

Việc tạo ra các thần tượng ảo vốn không xa lạ với nền âm nhạc của các nước phát triển, đặc biệt tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc... Thậm chí, việc phát triển thần tượng ảo còn đem lại doanh thu không nhỏ cho công nghiệp văn hóa. Các thần tượng này có ưu điểm là không bị giới hạn hay ảnh hưởng bởi kỹ năng, sức khỏe, tuổi tác, đời sống cá nhân…

Sự ra đời của ca sĩ Ann tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng của thế giới là tạo sự lựa chọn giải trí đa dạng cho khán giả, đồng thời đem lại những nguồn thu cho nhà sáng tạo. Bằng chứng là sau khi ra mắt 3 tuần, MV của Ann đã thu hút gần 190.000 lượt xem, hàng nghìn lượt chia sẻ…

Việc đưa công nghệ mới vào lĩnh vực giải trí để đem lại trải nghiệm đa dạng cho công chúng là nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng để phát triển thần tượng ảo thành một phần của nền công nghiệp văn hóa trong tương lai, có lẽ cần sự thận trọng hơn để thực sự đem lại hiệu quả tích cực. Thần tượng ảo không thể bước ra ngoài đời thật, sống cuộc sống và có cảm xúc như người thật. Chẳng hạn ca sĩ có giọng hát rất hay, nhưng những lúc vui, buồn, với những trải nghiệm khác nhau sẽ cách xử lý, truyền tải cảm xúc khác nhau. Mỗi người nghệ sĩ lại còn có nét duyên, sức hút riêng biệt. Còn thần tượng ảo thì không làm được điều đó, dù họ sở hữu giọng hát vượt trội.

Thêm vào đó, đây là lĩnh vực mới mẻ, có quá ít quy định của Nhà nước đề cập, điều chỉnh, vì thế dễ dẫn đến những vấn đề về mặt pháp lý, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền văn hóa, nghệ thuật, giải trí.

Ca sĩ ảo còn được gọi là thần tượng ảo, được tạo ra bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã có tác động đáng kể đến ngành công nghiệp âm nhạc kể từ khi được giới thiệu vào cuối những năm 1990. Những ca sĩ ảo này được tạo bằng phần mềm tổng hợp giọng nói cho phép người dùng tạo ra bài hát bằng cách nhập lời bài hát và giai điệu vào phần mềm.
Sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, tầm vóc, tư tưởng lớn
Cặp đôi "lên đồng" Doãn Quốc Đam - Lan Phương đóng vai vợ chồng, ai hơn ai?

Xuân Mai

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.