Dịch vụ đọc trộm tin nhắn và nguy cơ lừa đảo

Các dịch vụ theo dõi điện thoại, đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội được quảng cáo với mức giá vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng thực chất chỉ là chiêu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công khai dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên mạng

Chỉ cần vào Facebook tìm kiếm cụm từ “đọc trộm tin nhắn”, sẽ ra hàng loạt nhóm công khai, riêng tư về dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên Zalo, Facebook, mỗi nhóm có tới hàng chục nghìn thành viên tham gia.

Trong nhóm Facebook dịch vụ đọc trộm tin nhắn Zalo vợ chồng, tài khoản N.M.N giới thiệu: “Nhận tất cả dịch vụ mạng xã hội, uy tín, chất lượng”.

Trong khi đó, phần lớn các tài khoản đều cung cấp số điện thoại, mời kết bạn Zalo để có thể “vào việc”.

Theo tài khoản N.VĐ: “Đảm bảo đọc tin nhắn mà người ta không biết”. Theo tài khoản C.M “Đọc trộm tin nhắn, check pass Facebook đối phương không phát hiện; hack Facebook đối thủ cạnh tranh, người bạn ghét”.

Các dịch vụ theo dõi điện thoại, đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội được quảng cáo “làm xong mới thanh toán”. Tuy nhiên khi đã kết nối, thỏa thuận, giá tiền có thể từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng.

Theo đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), hành vi đọc trộm tin nhắn, tài khoản mạng xã hội là vi phạm pháp luật với cả bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ, vì xâm phạm quyền riêng tư của người khác.

Khả năng cao đây là các trường hợp lừa đảo, người dùng mạng cần tỉnh táo để không mù quáng rơi vào bẫy của đối tượng xấu.

Khi thực hiện các hành vi lừa đảo qua mạng, các đối tượng thường sử dụng tài khoản ảo, sim rác, do đó các thông tin liên hệ đều không xác thực. Rất khó để lấy lại được tiền khi bị lừa đảo trực tuyến.

Về các lời quảng cáo “đọc trộm tin nhắn” xuất hiện trên mạng xã hội, theo ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia bảo mật tại dự án Chống lừa đảo, đây chỉ là vỏ bọc cho trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Chúng tôi đã ghi nhận và chặn nhiều trang web, đây là lừa đảo đánh vào tâm lý muốn xem trộm tin nhắn người khác” - ông Hiếu cho biết.

Xâm phạm đời sống riêng tư, có dấu hiệu của lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền bất khả xâm phạm.

Cụ thể: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình... Bộ luật Dân sự cũng khẳng định: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ…

Tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện khá nhiều các bài đăng quảng cáo trên mạng xã hội có nội dung cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên Facebook, Zalo... với lời cam kết an toàn, bảo mật cao.

Các đối tượng thường tiếp cận những người nhẹ dạ cả tin, tác động vào tâm lý tò mò cuộc sống riêng tư của người khác, thậm chí là lợi dụng tâm lý nghi ngờ chồng hoặc vợ mình có mối quan hệ bất chính bên ngoài nên đã bỏ tiền ra sử dụng những dịch vụ này.

Các đối tượng thường làm dịch vụ bằng cách gửi link độc cho người bị xâm phạm để khi người đó click vào link là toàn bộ thông tin về tài khoản, tin nhắn mạng xã hội bị đánh cắp.

Một số đối tượng còn yêu cầu người thuê dịch vụ phải chuyển tiền đặt cọc trước rồi mới làm dịch vụ nhưng sau khi nhận được tiền đã bỏ trốn và chặn mọi liên lạc, thông tin. Đến lúc này mới nhận ra hành vi lừa đảo thì tiền đã mất và không thể đòi lại được nữa.

Hành vi của các đối tượng cung cấp dịch vụ nêu trên rõ ràng đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và có dấu hiệu của lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, các đối tượng này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP với hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng tùy mức độ, hậu quả xảy ra.

Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, các đối tượng này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Ngoài ra, nếu có những hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, các đối tượng này còn có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất là tù chung thân.

Đối với người thuê dịch vụ cũng không tránh khỏi việc bị truy cứu trách nhiệm khi sự việc này xảy ra.

Theo đó, người thuê dịch vụ đọc trộm tin nhắn có thể bị phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP nêu trên hoặc bị phạt tiền từ 5 - 20 triệu đồng căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP nếu có hành vi đọc trộm tin nhắn hoặc có hành vi tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Những người thuê dịch vụ này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng tội danh xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác nêu trên.

Nguy cơ lừa đảo liên quan đến công cụ ChatGPT
Khi “kẻ cắp” gặp “bà già"
Cảnh giác trước các cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo bằng hình thức thông báo "khóa thuê bao"
Nhận được tin nhắn mạo danh ngân hàng để lừa đảo, người dân phải làm gì?

Thái San

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.