Tranh cãi “nảy lửa” xung quanh việc mua chung cư hay nhà đất trong ngõ về lâu về dài

Việc bỏ tiền mua căn chung cư hay nhà đất với diện tích vừa phải trong ngõ nhỏ vẫn luôn là chủ đề khiến nhiều người đang có nhu cầu tìm mua nhà để “an cư” cảm thấy khó đưa ra được sự lựa chọn thực sự hợp lý…
Tranh cãi “nảy lửa” xung quanh việc mua chung cư hay nhà đất trong ngõ về lâu về dài
Chung cư với không ít tiện ích tổng thể đang là sự lựa chọn của nhiều gia đình trẻ.

Thà ở “lưng chừng trời” còn hơn mua nhà sâu trong ngõ nhỏ

Theo khảo sát, với tầm tài chính khoảng 3 tỷ đồng, không ít gia đình trẻ sẽ có xu hướng chọn ở chung cư thay vì mua nhà đất trong ngõ nhỏ. Chị A.T (quận Hai Bà Trưng) cũng là một người có quan điểm như thế.

Đây là phân tích của chị A.T: "Tôi lập gia đình được 3 năm. Thời gian đầu, hai vợ chồng ở cùng bố mẹ chồng trong một căn nhà có diện tích khoảng 35m2 xây 4 tầng tại quận Hai Bà Trưng. Sau 1 năm tôi có con gái, chúng tôi tách ra riêng. Với số vốn 3 tỷ đồng, mua nhà đất thực sự là rất khó để tìm được một căn nhà ưng ý. Hai vợ chồng tôi tham khảo vài nơi nhưng xác định tiền ít thì nhà chỉ ở trong ngõ sâu, thậm chí xe máy tránh nhau còn khó đừng nói tới việc ô tô vào nổi. Không những thế nhà thì khá cũ hoặc có hình dáng méo. Vậy là cuối cùng hai vợ chồng tôi quyết định mua một căn hộ chung cư ở quận Hoàng Mai, cũng khá gần với nhà bố mẹ chồng”.

Nói tiếp về lựa chọn ở trên “lưng chừng trời” của mình, chị A.T chia sẻ thêm, sau thời gian ở chung cư thì, hai vợ chồng chị đã khẳng định đây thực sự là một sự lựa chọn đúng đắn. Trước tiên nói về lợi ích, chị A.T cho biết, khu chị ở có khá nhiều tiện ích, xung quanh chúng tôi có hồ nước, công viên, rồi các dịch vụ ăn uống, rạp chiếu phim đủ cả. Ở chung cư mùa hè không thấy bị cắt điện. Lúc nào chung cư cũng sẵn máy nổ để phòng trường hợp mất điện.

Hồi chị A.T còn “sống chung với mẹ chồng”, có hôm 12h đêm, điện tắt phụp vì thấy bảo quá tải. Chưa kể tới việc chung cư cũng tiện việc đi lại hơn là mua một căn nhà nhỏ trong ngõ sâu. Ngoài ra, trẻ con nhà chị A.T còn có hành lang, sảnh, nội khu chung cư để vui chơi, rất tiện mà không sợ xe cộ đi lại như nhà mặt đất.

Nói về việc nhiều người cho rằng, nhà đất mới là tài sản, thì chị A.T cho rằng, trong đợt “sốt giá” chung cư vừa qua, căn hộ của chị đã được môi giới trả “kênh” thêm tới 700 triệu, thế nhưng vợ chồng chị quyết định không bán mà tiếp tục sinh sống tại đây, đồng thời có thêm niềm tin vào việc giữ căn hộ này làm tài sản lâu dài trong tương lai. Chị A.T còn cho biết, hàng xóm nhà mình mua căn 2 phòng ngủ xong không ở, mà cho thuê mỗi tháng 7 triệu. Cho thuê vài năm, cũng cầm về được vài trăm triệu, rồi họ vẫn còn được căn hộ của mình, “như vậy thì họ đang có lời khi mua chung cư chứ không phải lỗ theo thời gian”, chị A.T tin tưởng về lựa chọn của mình.

Có “đánh chết” cũng không mua chung cư

Có thể chung cư có lợi thế về dịch vụ, tiện ích đi kèm, thể nhưng không phải ai cũng lựa chọn chung cư như vợ chồng chị A.T. Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng (quận Đống Đa) gặp phải sự phản đối của hai bên nội ngoại vì cho rằng, mua chung cư không phải tài sản của riêng mình, phải chung đụng với nhiều người chưa kể mất nhiều loại phí dịch vụ hàng tháng. Quan điểm của các ông bà là, theo thời gian, chung cư cũng không còn giá trị như nhà đất. Cuối cùng sau khi đã sở hữu một căn nhà nhỏ trong ngõ thuộc quận Đống Đa, anh Hoàng khẳng định đây thực sự là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.

“Căn nhà của tôi lúc mua có giá 3,5 tỷ đồng, thế nhưng chỉ sau 1 năm vừa qua giờ đã có môi giới trả giá 5,5 tỷ đồng nhưng tôi vẫn không muốn bán. Bởi có cầm số tiền bán nhà cũng khó có thể mua được căn nhà tương tự cho dù có ở trong ngõ sâu hơn”, anh Hoàng chia sẻ.

Tranh cãi “nảy lửa” xung quanh việc mua chung cư hay nhà đất trong ngõ về lâu về dài
Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ tăng giá trị thì nhà đất kể cả trong ngõ vẫn có mức tăng nhanh, nhiều hơn so với căn hộ chung cư

Trên thực tế lời khẳng định của anh Hoàng là có cơ sở, bởi dù thị trường bất động sản đang có dấu hiệu đi xuống, thế nhưng phân khúc nhà ở đơn lẻ tại các quận nội thành Hà Nội thì giá không có dấu hiệu giảm, nếu như không muốn nói là vẫn “neo” ở mức khá cao.

“Đồng ý là giá chung cư thời gian qua có tăng nhưng so với đà tăng giá của nhà trong ngõ thì mức tăng đó không thấm vào đâu. Giờ có “đánh chết” tôi cũng không mua chung cư, còn những khó khăn gặp phải khi ở nhà trong ngõ tôi thấy không có gì khó để khắc phục cả. Chỉ có mua nhà đất thì tài sản mới có thể bảo đảm, giá trị căn nhà sẽ tăng theo từng năm”, anh Hoàng khẳng định.

Liên quan tới vấn đề này chuyên gia kinh tế Nguyễn Thế Thụ cho rằng, bất cập của chung cư đến từ chính việc quản lý quá chặt chẽ. Nếu muốn xây dựng, sửa sang, chủ sở hữu đều phải có sự đồng ý của ban quản lý tòa nhà. Bên cạnh đó, do không gian sử dụng chung nhiều như hành lang, thang máy, sân chơi... nên gặp nhiều bất tiện, không thoải mái. Các khoản phí dịch vụ hàng tháng cũng là điểm hạn chế của căn hộ chung cư so với nhà đất.

Thế nhưng, nhà đất thổ cư cũng tồn tại không ít hạn chế. Với tầm tài chính vừa phải, những căn nhà thường có diện tích nhỏ, nằm trong ngõ sâu, giao thông không thuận tiện. Nhiều khu dân cư cũng thiếu các tiện ích cơ bản như sân chơi, siêu thị... nên mọi người thường phải di chuyển xa mới có thể thụ hưởng. Những căn nhà trong ngõ thường chia từng tầng nên tính tương tác trong gia đình kém, chưa kể chất lượng ánh sáng kém, nhiều côn trùng. Thậm chí khu vực còn có an ninh kém, dễ xảy ra trộm cắp, không đảm bảo an ninh. Bên cạnh đó, một số khu vực dân cư còn mang văn hóa làng xã khá cục bộ nên hạn chế về mặt xây dựng cộng đồng.

Cuối cùng, chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh, việc mua căn hộ chung cư hay nhà đất đều cần cân nhắc đến các yếu tố như môi trường sống, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đảm bảo. Do đó, người mua cần tìm hiểu kỹ những vấn đề như vị trí, chất lượng xây dựng, pháp lý, dòng tiền... để tránh rủi ro.

Bất động sản dưỡng lão: Cung đang không đủ cầu?
Nên gửi tiết kiệm hay mua đất để nhân đôi, nhân ba tài sản trong tương lai?
Quy định tính thuế giá trị gia tăng đối với chuyển nhượng bất động sản

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.