Giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm - áp lực lớn cho cả Toà án, VKSND

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, chiều 20/3/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát trong đó tập trung các nội dung: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội...
Giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm - áp lực lớn cho cả Toà án, VKSND
Quang cảnh phiên họp chiều 20/3

Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Công tác cán bộ của ngành Kiểm sát; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Kiểm sát viên và các công chức của Viện kiểm sát; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát.

Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND TC, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát để kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chất vấn các nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực kiểm sát như: Công tác cán bộ của ngành Kiểm sát; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Kiểm sát viên và các công chức của Viện kiểm sát; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát. Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND TC, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát để kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.

Áp lực cho cả ngành Kiểm sát và Tòa án

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, dưới góc độ ngành Kiểm sát, Viện trưởng VKSND TC Lê Minh Trí cho biết, luật quy định 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên thực tế ở nước ta có tâm lí sau khi nhận được quyết định bản án có hiệu lực thi hành đương sự có ngay đơn giám đốc thẩm, tình trạng xét xử không có điểm dừng và ngày càng nhiều.

Giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm - áp lực lớn cho cả Toà án, VKSND
Viện trưởng VKSND TC trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Trách nhiệm xem xét đơn kháng nghị là của cả tòa án và viện kiểm sát. Tuy nhiên, 2 ngành cùng giải quyết 1 vụ việc thì ngành nào thuận lợi hơn thì ngành kia không làm, thì lại không đạt tỉ lệ giải quyết. Đối với những vụ việc mà viện kiểm sát có hồ sơ thì đều giải quyết đạt trên và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, nếu tính cứ có đơn là phải giải quyết thì ngành kiểm sát không đạt bởi nhiều vụ việc không có hồ sơ.

Viện trưởng VKSND TC Lê Minh Trí nêu rõ, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm áp lực lớn cho cả tòa án và viện kiểm sát. Thời gian tới người dân nhận thức được điểm dừng, đồng thời các ngành tư pháp nâng cao chất lượng giải quyết. Ngành kiểm sát cũng nỗ lực, cử kiểm sát viên phân loại và xử lý, kiểm soát tỉ lệ giải quyết đơn. Theo đó, đồng bộ từ quy định pháp luật, nhận thức của người dân và nỗ lực của ngành thì mới có thể kiểm soát được tỉ lệ giải quyết.

Về án hành chính, Viện trưởng VKSND TC Lê Minh Trí cho biết hiện nay, phần lớn án hành chính liên quan đến đất đai. Thời gian tới, cần giải quyết những bất cập trong Luật Đất đai hạn từ đó hạn chế khiếu kiện tranh chấp, giá trị đất đai xác định khách quan.

Mặt khác, trong án hành chính có yếu tố cả nể. Cùng với đó, án hành chính liên quan đến quá trình dài, tính chất phức tạp, hồ sơ tài liệu không phải lúc nào cũng được cơ quan hành chính cung cấp đầy đủ, hay việc tham gia phiên tòa của người đứng đầu cơ quan bị khởi kiện hạn chế, hay khi bản án có hiệu lực thi hành thì không phải lúc nào cũng được nghiêm túc thi hành. Từ những nguyên nhân trên ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết án hành chính. Do đó, cần xem xét căn cơ từ pháp luật đến mối quan hệ giữa các cơ quan trong hệ thống.

Chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm

Về chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, Viện trưởng VKSND TC cho biết, đây là chủ trương xuyên suốt của ngành, nhiệm vụ chính trị hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác nghiệp vụ. Tuy nhiên, 2 yêu cầu này có sự mâu thuẫn với nhau trong thực tế giữa đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm và không để lọt tội phạm là thách thức lớn với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Viện trưởng VKSND TC đã yêu cầu các kiểm sát viên các cấp thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định gắn chặt với công tố với điều tra ngay từ đầu, nhất là trong thực hiện 7 biện pháp điều tra cơ bản như bắt khám, xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung đối chất về mặt nhận dạng.

Chỉ đạo tập trung làm tốt khâu thụ lý tin báo, tố giác tội phạm để hạn chế oan sai, lọt tội phạm ngay từ đầu. Kiểm sát viên phải yêu cầu xác minh, điều tra và thu thập chứng cứ theo cả 2 hướng buộc tội và gỡ tội; yêu cầu nắm chắc và áp dụng những nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ và không được suy diễn; chứng cứ đến đâu xử lý đến đó; không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế và đảm bảo đúng pháp luật. Những vấn đề mới và phức tạp phải tìm hiểu sâu trong lĩnh vực chuyên môn, lắng nghe giải trình với yêu cầu kiểm sát viên phải đảm bảo khách quan, toàn diện trong xem xét, đánh giá chứng cứ, trong xác định tội danh và khung hình phạt phải đảm bảo dự xử lý nghiêm khoan hồng nhân văn thuyết phục.

Viện trưởng VKSND TC nhấn mạnh hạn chế oan sai và bỏ lọt tội phạm thì một trong những biện pháp quan trọng là công tác cán bộ. Do đó, đề ra yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại; trường hợp phải đình chỉ vì không phạm tội thì kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể lãnh đạo đơn vị và xem xét cả trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp trên.

Viện kiểm sát cũng tăng cường thanh tra nghiệp vụ để phát hiện oan sai và bỏ lọt tội phạm để ngăn chặn kịp thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng ngành, đơn vị các cấp, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp kiểm sát trong công tác Đảng cũng như trong chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đối với yêu cầu chống oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Việc kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, án hành chính có trở ngại

Trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Viện trưởng VKSND TC Lê Minh Trí cho biết, đối với việc kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, án hành chính có trở ngại khó khăn quan cả về khách quan và chủ quan, do đó việc thi hành án cũng khó khăn…

Thời gian qua, VKSND TC đã yêu cầu Viện kiểm sát các cấp quan tâm, kiểm tra, tập trung thực hiện nhiều biện pháp, phối hợp với nhiều cơ quan khác nhau để chủ động rà soát, tháo gỡ, giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài…

Theo Viện trưởng VKSND TC, để đảm bảo công bằng, Chủ tịch UBND các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo công bằng, từ thực tế vụ việc phức tạp, liên quan nhiều đến đất đai. Sắp tới, khi sửa đổi Luật Đất đai để hạn chế những bất cập thì sẽ giúp giảm thiểu các tồn tại, hạn chế hiện có.

Trên thực tế việc thi hành án rất khó khăn, phải giải quyết căn cơ từ hệ thống pháp luật. Vì án hành chính là đa phần là án khiếu kiện các vụ việc về hành chính, nhất là đất đai. Sự phối hợp các cơ quan cần chặt chẽ, đồng bộ giải pháp.

Về công an xã, Viện trưởng VKSND TC cho biết, thời gian qua, khi nhiều công an chính quy được điều về công an xã, trình độ của lực lượng này được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, khi đặt trách nhiệm mới cho lực lượng công an, cần làm rõ và quán triệt tinh thần trách nhiệm ngay từ đầu trong việc xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Viện kiểm sát cũng phối hợp chặt chẽ, có hướng dẫn cụ thể, chi tiết trong vấn đề này, tuy nhiên, còn gặp một số khó khăn do biên chế không đủ.

Về kiểm sát thụ lý tin báo tội phạm, 10 tỉnh đã thực hiện Chỉ thị phối hợp kiểm sát tin báo tội phạm. Tuy nhiên, thực tế là thiếu người để thực hiện công tác này. Đây là nhiệm vụ nặng nề mà nhân sự không đảm bảo.

Về vấn đề chống chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, tạo cơ chế để không thể, không muốn, không dám tham nhũng, Viện trưởng VKSND TC cho rằng cần có cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật chặt chẽ, quy định chế tài quản lý nhà nước thật tốt để người có quyền không dám lợi dụng quyền lực, bên cạnh đó cần nghiên cứu để có lộ trình thay đổi cơ chế, chính sách đảm bảo cán bộ an tâm công tác.

Viện trưởng VKSND TC kiến nghị, hiện nay chế độ chính sách cho cán bộ các cấp mặc dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều khó khăn; cần nghiên cứu lộ trình, giải pháp để đảm bảo chế độ để cán bộ yên tâm công tác. Đảm bảo giảm bớt khó khăn cho người cán bộ tâm huyết, muốn giữ gìn sự trong sáng, đạo đức nghề nghiệp.

Kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng trong điều tra, truy tố, xét xử Kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng trong điều tra, truy tố, xét xử
Lý do bị đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm vụ án “tranh chấp đất đai” Lý do bị đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm vụ án “tranh chấp đất đai”
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Đăng Khôi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.