Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023

Đâu là nguyên nhân chủ quan của việc du lịch Việt Nam “đi trước về chậm"?

Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.
Đâu là nguyên nhân chủ quan của việc du lịch Việt Nam “đi trước về chậm

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cần phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, du lịch không thể phát triển một mình, du lịch không thể phát triển nếu hạ tầng, văn hóa không phát triển, du lịch không thể phát triển mạnh nếu công nghiệp văn hóa không phát triển mạnh, bền vững

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục

Sáng 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”.

Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không.

Ngày 15/3/2022 là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam, nỗ lực trở lại sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch COVID-19. Sau 1 năm thực hiện mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3/2022, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở trên thế giới. Toàn ngành đã có cơ hội lớn để thúc đẩy du lịch phục hồi sau COVID-19. Đến tháng 3/2023, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là "bùng nổ" du lịch nội địa.

Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022).

Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất.

Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề đối với các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã vượt qua đại dịch. Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm, nắm bắt tình hình để đưa ra các giải pháp, đối sách phù hợp. Chúng ta cần suy nghĩ để có thêm bài học kinh nghiệm đối phó với những vấn đề mới nổi lên. Nhìn lại những năm phòng, chống dịch vừa qua, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề. Mặc dù là nước đông dân, đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, song Việt Nam là nước chống dịch và kiểm soát dịch bệnh tốt, mở cửa sớm. Tuy nhiên, so các nước trong khu vực, năm 2022, chúng ta chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch. Hội nghị này được tổ chức nhằm nhìn lại việc phát triển ngành du lịch thời gian qua, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để vượt qua những khó khăn, biến nguy thành cơ, tận dụng những kinh nghiệm, thời cơ đã có, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và của ngành du lịch so các nước trong khu vực và thế giới để phát triển nhanh và bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, về các hạn chế, tồn tại, thứ nhất, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mặc dù ngành du lịch đã rất nỗ lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế. Một số nguyên nhân chính gồm: Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của COVID-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng chưa chủ động, còn chậm. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.

Thứ hai, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn.

Thứ ba, về sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên nhất là tài nguyên văn hoá. Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm, chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách.

Thứ tư, nguồn nhân lực làm du lịch thiếu do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.

Thứ năm, hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức. Sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới.

Để đưa du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển, ngành du lịch đặt ra các mục tiêu năm 2023: khách du lịch quốc tế đạt 8 triệu lượt; khách du lịch nội địa 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.

Tháo gỡ về những điểm nghẽn trong chính sách miễn thị thực, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam

Bộ trường Nguyễn Văn Hùng cũng cho biế về kiến nghị, đề xuất: Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết sau Hội nghị, Nghị quyết sẽ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho các bộ, ngành, trong đó tháo gỡ về những điểm nghẽn trong chính sách miễn thị thực, xem xét, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, tạo thuận lợi hơn cho du khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Khẩn trương thực hiện mô hình chuyển đổi số gắn với kinh tế số; phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo đến ngành du lịch của mình để 63 tỉnh, thành đều có 63 sản phẩm du lịch mang tính bản sắc, chú trọng nhiều hơn đến công tác kết nối, liên kết để bảo đảm được các chỉ tiêu mà nhiều địa phương đã đề ra. Tăng cường công tác quản lý nhà nước để giúp nhân dân nâng cao nhận thức làm du lịch, phấn đấu đạt được mục tiêu mỗi người dân trở thành đại sứ du lịch thân thiện.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho rằng, về thuế, chưa nói đến thuế thu nhập nhưng nếu tính đến doanh thu thì nộp thuế 10% VAT và 20% thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện nay đang ở mức cao vì các nước xung quanh chỉ từ 5%-7%, vì vậy, bà Nga đề nghị Chính phủ nghiên cứu để điều chỉnh mức thuế này cho phù hợp nhằm thu hút khách du lịch nhiều hơn. BRG cũng đề xuất, đối với vấn đề visa, đề nghị tăng hạn visa từ 2 đến 4 tuần cho khách có thời gian đi du lịch nhiều hơn, chi nhiều tiền cho du lịch để doanh thu du lịch của chúng ta được tăng hơn.

Đâu là nguyên nhân chủ quan của việc du lịch Việt Nam “đi trước về chậm
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cho rằng: Báo cáo đánh giá của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thể hiện rất chính xác, phân tích rất rõ, các giải pháp cũng rất đầy đủ. Để cơ cấu thị trường cần rất nhiều yếu tố từ sản phẩm, dịch vụ marketing, quảng bá, hợp tác, liên kết giữa công và tư, và các doanh nghiệp trong ngành. Nhấn mạnh thêm vai trò của thị trường khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam, ông cho biết, năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu, bằng 21% khách nội địa nhưng doanh thu của nhóm này chiếm gần 2/3 do họ có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, thậm chí là những thị trường trọng điểm, họ có thể ở đến 15 ngày, chi tiêu từ 1.100 – 2.000 USD cho 1 chuyến đi. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, khách chủ yếu đi vào cuối tuần, với thời gian lưu trú từ 1 đến 2 ngày, mức chi tiêu cũng không bằng.

Vừa qua, các chính sách visa du lịch của chúng ta cũng đã có những điểm tiến bộ về visa. Tuy nhiên, để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững, chúng ta phải có những cải cách mạnh hơn nữa. Ví dụ năm 2019 chúng ta đón 18 triệu lượt khách thì Thái Lan họ đón 40 triệu, 2023 chúng ta mục tiêu là 8 triệu thì họ đã đón 25 triệu và theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì năm 2030 chúng ta đón 35 triệu, thì Thái Lan đến năm 2027 họ là 80 triệu khách. Như vậy nếu như chúng ta không có các giải pháp đột phá ngay bây giờ thì chúng ta sẽ về sau.

Đại diện Sun Group đưa ra 2 đề xuất: Thứ nhất, các bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh. “Nhưng chúng tôi mong muốn là các quy trình được rút gọn làm sao chỉ trong 1 kỳ họp là xong và có thể có hiệu lực ngay từ tháng 1/2023. Cụ thể các nội dung tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú từ 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30 -45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần”- ông Trường cho hay.

Giải pháp thứ 2, nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm. Ví dụ như hiện nay, thị trường Australia chi tiêu 4 tỷ USD/1 năm để đi du lịch, hay như Canada trên 33 tỷ USD, hoặc các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, họ đều chi từ 21 đến 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa.

Ngày 4/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143 giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì đề xuất giải pháp nghiên cứu mở rộng đối tượng miễn visa nhập cảnh đơn phương. Tôi rất mong muốn trong thời gian tới sớm ban hành nghị quyết về vấn đề này, có thể trước mùa du lịch mùa hè để chúng ta đón du khách, thực hiện mong muốn đón 8 triệu khách, thậm chí còn hơn trong năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến ban hành một Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, tương tự như các nghị quyết sau các hội nghị của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế… Chính phủ sẽ triển khai các công việc thuộc thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Xử lý nghiêm đối tượng chính là làm trong sạch môi trường du lịch
Hai điểm dịch vụ du lịch đầu tiên của Hà Nội được công nhận sản phẩm OCOP

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.