Cách ứng biến khi bị khống chế bằng “clip nóng”

Luật sư cho rằng, ngoài tội “Cưỡng đoạt tài sản”, nếu cơ quan tố tụng xác định có hành vi đăng tải hình ảnh, clip nhạy cảm lên mạng xã hội thì đối tượng sẽ bị truy tố thêm tội “Làm nhục người khác”.
Nguyễn Đức Phương tại cơ quan công an
Nguyễn Đức Phương tại cơ quan Công an.

Phòng CSHS Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đang tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Đức Phương (SN 1984, ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) để điều tra, làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Trước đó, ngày 9/3, chị L.T.H.T. (SN 1994, trú tỉnh Quảng Trị) trình báo về việc bị Phương đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản. Sau khi nhận được tin báo của bị hại, Phòng CSHS Công an tỉnh Quảng Trị đã triệu tập Nguyễn Đức Phương để làm rõ sự việc.

Tại đây, Phương khai nhận, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2022 có quan hệ tình cảm với chị T. và trong những lần quan hệ, Phương đã dùng điện thoại quay lại.

Sau đó, gã đã lập tài khoản mạng xã hội rồi liên tục đe dọa chị T. sẽ đăng tải clip này lên mạng xã hội và đưa cho người thân. Gã đàn ông này ra điều kiện nếu chị T. không muốn hình ảnh bị phát tán thì phải đưa tiền cho hắn. Với hành vi này, Phương đã cưỡng đoạt tiền của chị T. là 4 triệu đồng.

Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Từ vụ việc trên, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM nhìn nhận, khi mạng xã hội bùng nổ sẽ có tác dụng tích cực khi giúp nhiều người có thêm bạn mới, những ai độc thân dễ dàng tìm được mối tình đích thực sau thời gian tìm hiểu.

Bà Thủy cho biết, phần lớn các nạn nhân những vụ tống tiền có đời sống phóng khoáng, dễ dàng gửi hình ảnh nhạy cảm của bản thân cho người chỉ mới quen biết trên mạng xã hội. Sự dễ dãi này rất đáng lo ngại cho không chỉ bản thân nạn nhân mà còn gia đình họ nữa. Vì vậy, không ít người bị rơi vào chiếc bẫy của những kẻ xấu, có ý đồ tống tiền. Không ít vụ án khi họ tố cáo thì cũng đã mất một số tiền khá lớn, ngoài ra, còn mất nhiều thời gian cùng với sự mệt mỏi và lo sợ.

"Rất nhiều nạn nhân khi bị khống chế đã ngay lập tức đồng ý với những yêu cầu của đối tượng. Tuy nhiên, trong mọi tình huống, nạn nhân cần bình tĩnh kiểm tra tính xác thực về clip mà kẻ xấu nắm giữ, khéo léo thương lượng để hoãn binh rồi mật báo cho công an. Khi bị tống tiền thì chụp lại những tin nhắn, ghi âm cuộc gọi tống tiền gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền nhờ can thiệp. Bằng biện pháp nghiệp vụ, Công an sẽ hướng dẫn, phối hợp với nạn nhân bắt kẻ uy hiếp, ngăn ngừa hình ảnh không hay bị tung lên mạng" - bà Thủy đưa ra lời khuyên.

Khi nạn nhân trình báo sớm, Công an sẽ nhanh chóng ngăn chặn việc phát tán hình ảnh, clip, thông tin. Ngoài ra, các chuyên gia về tội phạm học khuyên rằng nạn nhân nên tìm cách ghi âm lại giọng nói, những đoạn thoại, tin nhắn qua Zalo, Facebook, điện thoại… của kẻ tống tiền, tống tình, để có bằng chứng xử lý sau này. Bên cạnh đó, nạn nhân khi bị khống chế cũng không nên có thái độ thách thức, bất cần mà phải nhẹ nhàng trì hoãn, nếu không kẻ xấu sẽ bực tức phát tán clip.

Trở lại trường hợp của đối tượng Nguyễn Đức Phương, theo luật sư Đinh Thị Nguyên - Đoàn luật sư TP Hà Nội, đối tượng dùng những clip nóng để đe dọa nhằm buộc nạn nhân phải đưa tài sản cho anh ta thì đã vi phạm pháp luật với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại Điều 170, BLHS năm 2015 và có thể bị lĩnh án 5 năm tù.

Ngoài ra, Điều 170 quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù 12 - 20 năm. Bên cạnh đó, CQĐT sẽ xác định có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, bị can sẽ bị truy tố thêm tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155, BLHS. Khung hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt tiền 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Cũng theo luật sư Đinh Thị Nguyên, trong trường hợp không đủ căn cứ truy cứu hình sự, mà có hành vi đăng hình ảnh, clip nhạy cảm lên mạng xã hội thì đối tượng Nguyễn Đức Phương vẫn có thể bị phạt hành chính 10 - 20 triệu đồng, theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, về hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Không thể biện minh cho sự nóng giận bằng hành vi vi phạm pháp luật
Bài học từ vụ nữ Việt kiều bị tống tiền bằng clip “nóng”?
Vụ tài xế bị đánh ở Nha Trang: Nữ hành khách hoảng loạn vì bị giả clip vu khống trên mạng

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.