Lý do hoãn xử cặp vợ chồng chiếm đoạt 3 lô "đất vàng"

Ngày 9/3, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử Lương Thế Hiển và vợ là Nguyễn Thị Liên, cùng SN 1960, về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", theo khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Lý do hoãn xử cặp vợ chồng chiếm đoạt 3 lô
Vợ chồng ông Hiển tại phiên toà. Bị cáo Liên được tại ngoại, từng bị Công an quận Đống Đa xử phạt hành chính vì đánh bạc.

Phiên tòa vắng mặt ông Lê Hải An (người mua lại các mảnh đất từ Hiển), được triệu tập với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Luật sư của ông An cùng luật sư của bị hại và 3 người làm chứng cũng vắng mặt. VKSND nhận định những người này đều có vai trò quan trọng trong vụ án nên đề nghị hoãn xét xử.

HĐXX chấp nhận đề nghị này, thời gian mở lại phiên tòa chưa được ấn định. Đây là lần thứ hai phiên xét xử bị hoãn. Ngày 16/1, tòa hoãn lần đầu do không trích xuất được bị cáo Hiển.

Theo nội dung vụ án, ba thửa đất liền kề tại số 296, 298 và 300 phố Bà Triệu, Hà Nội, có tổng diện tích hơn 676m2, là nhà thuê ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Nơi đây cho 14 hộ dân thuê ở, trong đó diện tích nhà cũ đã được bán và cấp 11 sổ đỏ cho 11 hộ dân với tổng diện tích 308m2.

Từ tháng 5 đến tháng 9/2017, anh Nguyễn Thanh Thủy (trú quận Đống Đa) mua gom được 11 nhà đất nêu trên. Cuối năm 2017, anh Thủy muốn mua nốt phần diện tích còn lại để gộp làm sổ đỏ chung. Tuy nhiên, do quy định pháp luật không cho phép mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước, nên anh Thủy nhờ người quen là Lương Thế Hiển (khi đó vừa nghỉ hưu) giúp đỡ với tiền công 7 tỷ đồng.

Cáo trạng vụ án thể hiện, để hợp thức việc nhờ người đứng tên làm thủ tục mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước với giá thấp, anh Thủy và Lương Thế Hiển đã thống nhất dùng hợp đồng giả cách hợp tác kinh doanh.

Đầu tháng 10/2017, anh Thủy và Nguyễn Thị Liên ký hợp đồng hợp tác đầu tư mua khu đất trên tổng giá trị 200 tỷ đồng, mỗi bên góp 100 tỷ đồng.

Hợp đồng và các biên bản liên quan thể hiện anh Thủy đồng ý chuyển nhượng 50% cổ phần cho Hiển, tương đương 100 tỉ đồng vốn đã góp để mua 3 lô đất vàng ở phố Bà Triệu.

Ngoài ra, anh Thủy cũng viết giấy biên nhận ghi đã nhận 100 tỷ đồng của vợ chồng bị can. Sau đó, anh này thanh toán hơn 26,5 tỷ đồng để mua phần tổng diện tích nhà ở cũ là gần 166m2 tại số 296, 298 và 300 phố Bà Triệu đứng tên vợ chồng Hiển.

VKS cho rằng, sau khi giúp anh Thủy đứng tên hoàn tất các thủ tục mua tài sản, vợ chồng bị can Hiển đứng tên sổ đỏ, nên đã chiếm đoạt các lô đất trên, không trả lại cho đối phương mà bán toàn bộ tài sản cho anh Lê Hải An, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Khi giao dịch, anh An đã chuyển gần 320 tỷ đồng cho vợ chồng Lương Thế Hiển. Tuy nhiên, các hợp đồng công chứng giữa năm 2018 về việc mua bán giữa Hiển, Liên và anh An ghi tổng giá trị chuyển nhượng 3 lô đất vàng là 30 tỷ đồng, thấp hơn so với số tiền thực tế đã giao dịch. Nguyễn Thị Liên khai, việc ký các hợp đồng, biên bản là do chồng nhờ ký, bà này không đọc và không tham gia hay trao đổi việc mua bán nhà đất.

Sau khi anh An chuyển tiền, Liên đã rút hết để đưa cho chồng. Nữ bị can cho rằng dù là vợ chồng, song bà và Hiển độc lập về kinh tế, không liên quan tài chính của nhau.

Còn bị can Hiển phủ nhận các cáo buộc khi cho rằng việc hợp tác đầu tư mua gom 3 lô đất với anh Thủy là có thật. Hiển cũng khai cùng vợ 3 lần chuyển tổng số tiền 200 tỷ đồng như nội dung các giấy nhận tiền anh Thủy đã ký.

Tuy nhiên, VKSND xác định có đủ căn cứ kết luận vợ chồng bị can đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 3 lô đất vàng của anh Thủy.

Hôm nay xét xử Nguyễn Thị Hà Thành cấu kết với nhân viên ngân hàng lừa đảo 433 tỷ đồng Hôm nay xét xử Nguyễn Thị Hà Thành cấu kết với nhân viên ngân hàng lừa đảo 433 tỷ đồng
Sắp xét xử vụ cấu kết với nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt 433 tỷ đồng Sắp xét xử vụ cấu kết với nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt 433 tỷ đồng

Trung Kiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.