Xâm phạm chỗ ở người khác sẽ bị xử lý hình sự

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác đã được quy định rõ trong BLHS. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hành vi nào bị khép vào tội này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, ngày 21/4/2022, ông H.V.M cùng nhóm người khác kéo đến chỗ ở của ông Lê Sỹ Minh đe dọa, đuổi người nhà ông Minh ra ngoài. Theo ông Minh, ngôi nhà ông đang sinh sống được dựng lên từ năm 2005, phần đất trên là đất thuộc sở hữu Nhà nước, trước đây là bãi tập kết rác. Suốt 17 năm qua, ông Minh cùng vợ con sinh sống bằng nghề bán trà đá.

Ông cho biết "không hề có tranh chấp với bất kì ai" đối với phần đất trên. Sau khi xảy ra sự việc, đại diện CA phường và UBND phường Phúc Xá có mặt lập biên bản sự việc. Theo hồ sơ thì phần đất ông Minh dựng nhà ở là điểm đất công thuộc phường Phúc Xá quản lý. UBND quận Ba Đình đã có quyết định giao Ban QLDA chuẩn bị đầu tư khu sinh hoạt công cộng. Tuy nhiên, việc triển khai dự án còn vướng mắc do chưa giải phóng xong mặt bằng.

Qua vụ việc trên, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, pháp luật quy định như thế nào về chỗ ở hợp pháp của công dân và trường hợp nào bị xem là hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác? Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của nhóm ông H.V. M "có dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở người khác" quy định tại điều 158, BLHS năm 2015.

Theo đó, Điều 158 quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác”.

Ngoài ra, điều luật này quy định, những người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Nói về việc căn nhà của ông Minh thuộc sở hữu Nhà nước, luật sư Thái cho rằng, những đối tượng tác động của tội phạm này là chỗ ở của công dân có thể là thường trú hoặc tạm trú, có thể là cố định hoặc di động, có thể là nhà ở, ký túc xá, tàu thuyền của ngư dân mà cả gia đình họ sinh sống trên tàu thuyền đó như là nhà ở của mình, túp lều, nhà tạm, một chỗ ở gầm cầu, bến tàu, bến xe...

"Gia đình ông Minh đang sinh sống ổn định tại đây, đó chính là hành vi xâm phạm chỗ ở của gia đình ông Minh. Đối với tội danh này, hình phạt cao nhất mà nhóm người đó phải đối mặt lên tới 5 năm. Chưa nói đến việc, ông H.V.M lôi kéo theo nhiều người thực hiện hành vi trên", luật sư Thái nhận định.

Luật sư Thái cho biết thêm, việc ông Minh sinh sống trên mảnh đất thuộc sở hữu Nhà nước thì việc thu hồi đất hoặc cưỡng chế thu hồi đất là trách nhiệm của chính quyền. Việc này được thực hiện theo các quy trình chặt chẽ, đúng quy định. Còn H.V.M không có bất cứ mối liên quan nào với căn nhà trên mà có hành vi khóa nhà, đe dọa, đuổi người nhà ông Minh ra ngoài là hành vi vi phạm rất rõ ràng.

Hiến pháp năm 2013 tại điều 22 đã hiến định: "Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp". Nơi ở hợp pháp của công dân gắn liền với quyền tự do cư trú. Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Theo Luật cư trú năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013), công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú.

Điều 12 luật này quy định về nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Chỗ ở hợp pháp được hiểu là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

Người bị thu hồi đất sẽ được bồi thường bằng nhiều hình thức khác nhau
Chiếm đoạt tiền chuyển khoản nhầm có bị xử lý hình sự?

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.