Ghép ảnh quan tài, đe dọa “con nợ” để đòi tiền

Để khủng bố tinh thần “con nợ”, Lê Xuân Chiên và đồng phạm đã ném chất bẩn vào nhà, viết cáo phó...
Các bị can trong vụ án
Các bị can trong vụ án

Theo cáo trạng, khoảng tháng 11/2020, do cần tiền, chị Lê Thị Thanh D, SN 1995, trú tại quận Long Biên, Hà Nội, tìm Lê Xuân Chiên, SN 1989, vay 500 triệu đồng với lãi suất “cắt cổ”. Chiên cắt lãi 54 triệu đồng, nên chị D chỉ nhận số tiền thực tế là 446 triệu và phải trả gốc hàng ngày.

Đến tháng 1/2021, do không có khả năng trả nợ, người bác đã trả cho Chiên 400 triệu đồng, thay cho chị D và yêu cầu anh ta không được tiếp tục cho cháu mình mượn tiền. Tuy nhiên, đến tháng 7/2021, chị D tiếp tục hỏi vay tiền Chiên song bị từ chối. Anh ta giới thiệu chị D vay tiền của Lê Anh Việt (thực chất Chiên vẫn là người cho chị D vay).

Trong tháng 7/2021, chị D được cho vay 500 triệu đồng bằng hình thức bốc bát họ, trong 50 ngày. Trừ các khoản gồm tiền lãi, tiền gốc 5 ngày vay và phí làm hợp đồng, chị này chỉ thực nhận 345 triệu đồng. Đến ngày 31/8/2021, chị D còn nợ lại Chiên 330 triệu đồng.

Bị chủ nợ ép trả tiền thành 400 triệu đồng, không có khả năng, chị D đã bỏ trốn. Không tìm được D, Chiên liên tục nhắn tin cho mẹ đẻ và bác họ của con nợ chửi bới, đe dọa, yêu cầu phải gọi cho thiếu phụ này về để trả nợ hoặc trả thay. Một mặt, Chiên chỉ đạo Việt và 2 đàn em khác nhiều lần đến nhà mẹ đẻ của D để tìm, đồng thời bọn chúng đe dọa các thành viên trong gia đình nạn nhân.

Cùng ngày 31/8/2021, Chiên chỉ đạo Việt đăng ảnh ghép mặt vợ chồng D và ảnh mẹ chồng “con nợ” vào hình ảnh quan tài và đưa lên mạng xã hội Facebook. Sau đó, các đối tượng chia sẻ bài viết, uy hiếp tinh thần chị D và gia đình. Như lời bị cáo, việc này để nhiều người biết việc chị này vay nợ không trả, khiến họ phải xấu hổ mà thanh toán tiền vay.

Sau nhiều ngày đàn em đến nhà đòi tiền bất thành, Chiên chỉ đạo ném hỗn hợp chất bẩn (mắm tôm, dầu luyn) vào nhà họ. Nhóm này còn dùng 4 tờ cáo phó và viết thông tin của chị D, dán quanh khu vực nhà người phụ nữ này. Tiếp đó, Chiên còn chỉ đạo đàn em một lần nữa mang nhiều túi nilon đựng chất bẩn để trước nhà mẹ đẻ của D.

Trước việc bị khủng bố, đe dọa tinh thần trên, chị D và gia đình đã trình báo CQCA. Từ đây, việc cho vay lãi nặng của Chiên bị lộ tẩy, cùng hàng loạt hành vi cưỡng đoạt, cố ý làm hư hỏng tài sản.

Cơ quan chức năng làm rõ, Chiên bắt đầu cho vay lãi nặng từ tháng 4/2020. Anh ta cho vay dưới hình thức lãi ngày, lãi suất từ 109,5%-182,5%/năm và hình thức bốc bát họ, tỷ lệ 10 ăn 8 (người vay chỉ nhận được 80% số tiền vay và trong 50 ngày phải trả đủ 100% số tiền vay, tương đương lãi suất 146%/năm). Chiên thuê Lê Anh Việt, SN 1997; Bùi Xuân Trường, SN 2000; Phạm Văn Thắng, SN 1990; Nguyễn Viết Lãm, SN 1996; Nguyễn Văn Hiếu, SN 1999, để phục vụ việc cho vay lãi nặng. Chiên phân công Thắng và Việt cùng với anh ta chịu trách nhiệm làm việc với người vay tiền, lập hồ sơ cho vay.

Ngoài ra, Việt và Thắng cùng Trường có nhiệm vụ đi đòi nợ, khủng bố con nợ nếu họ chây ì. Theo CQĐT, trong khoảng thời gian từ tháng 2/2020-9/2021, Chiên và đồng phạm đã cho 14 người vay tiền, tổng cộng 1,89 tỉ, thu lời bất chính hơn 361 triệu đồng.

Trong khi cho vay lãi nặng, Chiên và đồng phạm còn thực hiện 2 vụ cưỡng đoạt tài sản và một vụ cố ý làm hư hỏng tài sản. Với cáo buộc trên, VKSND Hà Nội đã truy tố Chiên và 5 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cưỡng đoạt tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản.

TAND Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ vụ án, đang nghiên cứu để đưa ra xét xử với Chiên và đồng phạm.

Quá trình điều tra, Chiên có biểu hiện tâm thần nên CQCA đã quyết định trưng cầu giám định. Theo đó, cơ quan chuyên môn kết luận, Chiên bị bệnh các rối loạn khí sắc (cảm xúc) thực tổn. Tại các thời điểm trên, bị can có đủ khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi.
Nợ nần, nam sinh viên rủ bạn lên kế hoạch giả bị bắt cóc để tống tiền bố mẹ đẻ
Từ “chủ nợ” thành “con nợ” vì nóng lòng đòi tiền
Trách nhiệm hình sự vụ gã trai bất hiếu, đe doạ, cưỡng đoạt tiền của mẹ

Bảo An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.