Hà Nội: Đẩy mạnh tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn số 92-HD/BTGTU về việc thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Hà Nội: Đẩy mạnh tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)
Đẩy mạnh tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo hướng dẫn, công tác thông tin, tuyên truyền cần được triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, không trùng lắp và phù hợp với tiến độ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); gắn với tuyên truyền thực hiện: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, 10 chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố giai đoạn 2021-2026 và chủ đề công tác của Thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, nhiệm vụ công tác hằng năm của địa phương, đơn vị.

Ban Tuyên giáo Thành ủy yêu cầu nội dung thông tin, tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời thông tin những góp ý, phản biện của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức, thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội ban hành. Cao điểm tuyên truyền năm 2023 và năm 2024, dịp trước, trong và sau thời điểm Quốc hội thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nội dung tuyên truyền là sự cần thiết đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); quan điểm, định hướng xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); mục đích, ý nghĩa của xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Sức lan tỏa, tác động của Luật Thủ đô (sửa đổi) và các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) tới xã hội, hệ thống chính trị Trung ương và địa phương trong nước, các ban, ngành, cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội, Vùng Thủ đô và cả nước. Các sự kiện chính trị, pháp lý, các hoạt động tiêu biểu của Trung ương, thành phố, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Các diễn đàn pháp luật về trao đổi, thảo luận về các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Các hội thảo, tọa đàm về các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi dự thảo các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đến cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, quan điểm, quá trình triển khai của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội, đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài trong việc xây dựng chính sách, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm bổ sung, hoàn thiện Luật Thủ đô, góp phần thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời đề cao sự chủ động, tích cực, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền thành phố, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan Trung ương, địa phương trong nước, doanh nghiệp và toàn xã hội trong quá trình xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội. Vận động, khuyến khích nhân dân, tạo sự tham gia tích cực của toàn xã hội vào công tác xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát việc thi hành pháp luật Thủ đô nói chung và Luật Thủ đô (sửa đổi) nói riêng.

Hà Nội: Tập trung tuyên truyền, tạo sức lan tỏa, tác động xã hội của Luật Thủ đô (sửa đổi)
Luật Thủ đô (sửa đổi): Chế độ đãi ngộ, cơ chế tài chính, quy định về khám chữa bệnh
Luật Thủ đô (sửa đổi): Chính sách phát triển y tế thủ đô theo nguyên lý Y học gia đình

Quang Trung

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.