Chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết hồ sơ con nuôi

Thời gian qua, công tác nuôi con nuôi đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhờ sự chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về ý nghĩa nhân đạo và và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giải quyết nuôi con nuôi trên cơ sở nội dung Công ước La Hay số 33, Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành…
Các hồ sơ con nuôi được giải quyết kịp thời, bảo đảm đúng thời hạn quy định
Các hồ sơ con nuôi được giải quyết kịp thời, bảo đảm đúng thời hạn quy định

Giải quyết 2.908 trường hợp nuôi con nuôi trong nước

Tại Hội nghị triển khai công tác nuôi con nuôi năm 2023 do Bộ Tư pháp tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Con nuôi Phạm Thị Kim Anh cho biết, trong năm 2022, công tác nuôi con nuôi trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể, trên toàn quốc đã giải quyết 2.908 trường hợp nuôi con nuôi trong nước, tăng 587 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021.

Số lượng trẻ em được giải quyết làm con nuôi nước ngoài có xu hướng tăng lên. Tính đến ngày 25/12/2022, Cục đã giải quyết cho 170 trẻ em làm con nuôi nước ngoài, trong đó có 113 trường hợp trẻ em từ cơ sở nuôi dưỡng và 57 trường hợp trẻ em từ gia đình (trẻ em thuộc diện con riêng, cháu ruột của người nhận con nuôi).

Các hồ sơ con nuôi được giải quyết kịp thời, bảo đảm đúng thời hạn quy định. Chất lượng thẩm định hồ sơ trẻ em, hồ sơ cha mẹ, công tác lựa chọn gia đình được thay thế thích hợp, phù hợp với nguyện vọng của trẻ em, bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ đều được nâng cao.

Bên cạnh đó, Cục đã đổi mới phương thức hoạt động với cách tiếp cận lấy quyền trẻ em làm trung tâm. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi; tăng cường phối hợp liên ngành trong giải quyết việc nuôi con nuôi; tích cực trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp với bộ phận thực thi và cơ quan Trung ương các nước thành viên Công ước La Hay trong việc thực thi Công ước và giải quyết việc nuôi con nuôi.

Các hồ sơ được giải quyết đúng pháp luật

Theo Sở Tư pháp Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 19/CT-TTg ngày 20/9/2013 về nâng cao nhận thức pháp luật về nuôi con nuôi và tăng cường biện pháp bảo đảm thực thi Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 19/01/2018 về tăng cường giải quyết việc nuôi con nuôi.

Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi, nhấn mạnh nội dung đảm bảo quyền con người, trong đó quyền trẻ em khi thực thi Luật Nuôi con nuôi, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hộ tịch, Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em, thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, biên soạn, phát hành tờ gấp tìm hiểu một số nội dung về đăng ký nuôi con nuôi trong nước, nuôi con nuôi nước ngoài và con nuôi thực tế.

Trong quá trình thực hiện Luật Nuôi con nuôi, Sở Tư pháp chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch, đăng ký nuôi con nuôi trong nước cho UBND cấp huyện, cấp xã. Các hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi được giải quyết đúng quy định.

Các hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trong nước được giải quyết đúng pháp luật, việc nuôi con nuôi xác lập quan hệ pháp lý và tình cảm giữa cha, mẹ và con, bảo đảm trẻ em được nhận làm con nuôi được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường gia đình, đem lại hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, phụ nữ độc thân thực hiện quyền làm cha mẹ.

Quá trình giải quyết hồ sơ, có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phường, xã giữa công chức tư pháp, công chức lao động xã hội, Công an, Hội Phụ nữ, tổ dân phố, trong việc xác minh thông tin về trẻ em, thông tin về người nhận con nuôi.

Trong khi tìm gia đình thay thế cho trẻ bị bỏ rơi, có ưu tiên xem xét giải quyết đối với các gia đình cư trú trên cùng địa bàn. Yêu cầu thay đổi hộ tịch cho con nuôi sau khi đăng ký nuôi con nuôi được giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật hộ tịch. Số trẻ em được giải quyết làm con nuôi trong nước 10 tháng năm 2022 là 145 trẻ em, tăng 14 trẻ em so với 10 tháng năm 2021.

Công tác nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, UBND TP đề nghị rà soát, tăng cường công tác lập danh sách trẻ em có nhu cầu tìm gia đình thay thế tại các cơ sở nuôi dưỡng trên địa bàn TP; tăng cường năng lực cho các cơ sở nuôi dưỡng, trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi, Sở Tư pháp đã phối hợp Sở LĐTB&XH rà soát cơ sở trợ giúp xã hội, hướng dẫn UBND cấp xã và cơ sở nuôi dưỡng đánh giá và lập hồ sơ trẻ em.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Tư pháp, Sở LĐTB&XH, CATP phối hợp, giải quyết hồ sơ tìm gia đình thay thế. Đối với một số trường hợp trẻ em có gia đình ở địa phương khác hoặc có cha mẹ đang trong thời gian thi hành án, Sở Tư pháp phối hợp với UBND cấp xã hoặc Giám thị Trại giam để tiến hành lấy ý kiến về việc trẻ em được nhận làm con nuôi;

Một số hồ sơ trẻ em thuộc diện con riêng, cháu ruột được nhận làm con nuôi cần được xác minh thêm về hoàn cảnh gia đình, Sở Tư pháp phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã để tiến hành xác minh khi có yêu cầu. 100% hồ sơ trẻ em có nguồn gốc bị bỏ rơi được gửi CATP xác minh. Sau khi nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp tiếp tục giải quyết hồ sơ tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Số trẻ em được giải quyết làm con nuôi nước ngoài 10 tháng năm 2022 là 06 trẻ em.

Năm 2023, Hà Nội tiếp tục tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về kỹ năng giải quyết hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi. Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về nuôi con nuôi đồng bộ, thống nhất để kịp thời giải quyết một số khó khăn, vướng mắc.
Chuyển đổi số tạo thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp
Chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về chuyển đổi số
Tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.