Hóa giải mâu thuẫn giọt gianh nhờ phân tích có tình, có lý

Ông Nguyễn Trạc Hùng, hòa giải viên thôn 1, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức cho biết, ông tham gia công tác hòa giải tại thôn với mong muốn đóng góp chút công sức nhỏ bé để giữ gìn sự bình yên, đoàn kết trong Nhân dân.
Ông Nguyễn Trạc Hùng, thành viên tổ hòa giải thôn 1
Ông Nguyễn Trạc Hùng, thành viên tổ hòa giải thôn 1

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trạc Hùng, SN 1956, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh thôn 1, thành viên tổ hòa giải thôn 1 xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ, ông tham gia tổ hòa giải tại thôn từ năm 2021. Thời điểm ông tham gia đang có dịch Covid-19 nên hầu hết các công việc ở thôn là hỗ trợ chính quyền, tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các công việc liên quan đến phòng chống dịch và tiêm vắc xin,…

Sang đến năm 2022, trên địa bàn thôn 1 xảy ra 2 vụ việc cần tập trung tổ hòa giải với các bên liên quan đó là vụ việc mâu thuẫn giọt gianh và vụ việc mở cửa ra ngõ đi chung. Hai vụ việc này, tổ hòa giải đều tiến hành hòa giải tại nhà văn hóa thôn và có 1 vụ việc hoàn thành, một vụ việc đang tiến hành hòa giải tiếp.

Ông Hùng cho biết thêm, câu chuyện về mâu thuẫn giọt gianh là nhà ông A xây nhà và có để chừa lại 10cm đất để khi lợp mái trời có mưa thì nước mưa sẽ nhỏ từ mái xuống phần đất của nhà mình, không ảnh hưởng đến nhà ông B (hàng xóm). Tuy nhiên, đấy là trời mưa nhỏ nhưng khi gặp trời mưa to, nước mưa chảy mạnh và đã xối trực tiếp xuống nhà ông B, gây ngập úng cho nhà hàng xóm nên họ bức xúc gửi đơn đến ông trưởng thôn 1.

Nhận được thông tin của nhà ông B, tổ hòa giải thôn 1 đã cử người đến ghi nhận thực tế, nghe thông tin từng nhà. Sau đó, tổ hòa giải thôn 1 đã tập trung và mời mọi người ra nhà văn hóa thôn để hòa giải.

Tại buổi hòa giải, ông Bí thư, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 1 đã đứng lên giới thiệu thành phần, nêu lý do tổ chức buổi hòa giải. Sau đó, mời nhà ông A và nhà ông B đứng lên trình bày vấn đề của mỗi gia đình. Sau khi nghe mọi người chia sẻ, các thành viên tổ hòa giải sẽ đứng dậy phân tích về mặt pháp luật, quy định cũng như phân tích có tình có lý, hướng giải quyết sự việc.

Cụ thể, thành viên tổ hòa giải phân tích về mặt pháp luật, nhà ông A chừa lại 10cm đất để giọt gianh từ mái nhà rơi xuống là đúng pháp luật, hai bên đều xây dựng trên phần đất của nhà mình và không lấn chiếm của nhau. Vấn đề nhà ông A tính toán nhưng chỉ là mưa nhỏ, khi mưa to nước đã chảy xối xả sang nhà hàng xóm gây ngập úng vì không thoát nước kịp. Do vậy, giải pháp đưa ra bây giờ là nhà ông A lắp máng hứng nước mưa ở trên mái, tránh tình trạng xối nước sang nhà hàng xóm như trước.

Đồng thời, nhà ông A cũng để nước xối sang nhà hàng xóm nhiều lần thì cũng có lời xin lỗi nhà ông B, mong thông cảm do sự việc ngoài ý muốn. Bên cạnh mặt pháp luật, thành viên tổ hòa giải cũng phân tích cho hai ông A và B nghe về tình làng nghĩa xóm, hai bên thông cảm cho nhau và giữ gìn sự đoàn kết của xóm làng, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Dù không phải là người trong dòng họ nhưng đã ở làng thì cũng có chút liên quan đến họ hàng bên nội, bên ngoại.

“Sau khi hòa giải thành công, chúng tôi thấy rất vui khi thấy mọi người giữ được hòa khí, việc bé không xé ra to và cùng nhau tìm cách tháo gỡ. Nhìn thấy hình ảnh đấy chúng tôi càng thấy công việc của mình ý nghĩa hơn bởi lẽ, chúng tôi tham gia công tác tại thôn xóm không vì áp lực kinh tế mà chủ yếu làm vì cái tâm, mong muốn mọi người trong thôn luôn vui vẻ, hòa đồng, đoàn kết, xóm làng được yên bình”, ông Hùng nhấn mạnh.

Được biết, tổ hòa giải thôn 1 có 8 thành viên bao gồm cả tổ trưởng là những chi hội, trưởng các ban ngành, đoàn thể của thôn gồm: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cựu chiến binh, hội nông dân, hội người cao tuổi… Các thành viên đều được tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do đó, tổ hòa giải thôn 1 đã hòa giải thành rất nhiều vụ việc, mang lại bình yên cho thôn xóm, gắn kết tình cảm trong Nhân dân.

Người hòa giải viên hơn 20 năm làm công tác hòa giải cơ sở
Nữ cán bộ hoà giải dùng sự chân thành để hóa giải mâu thuẫn
Tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.