Hà Nội: Tiếp tục đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Thủ đô

Năm 2023, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng, các hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại, bình ổn thị trường; tổ chức các chương trình bán hàng Việt, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng…
tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Hà Nội tích cực quảng bá các sản phẩm hàng Việt Nam

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố Hà Nội, năm 2022, Ban Chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả.

Thông qua đó, tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng. Các hoạt động tuyên truyền đã tích cực quảng bá các sản phẩm hàng Việt Nam, góp phần thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng.

Trong năm 2022, Sở Công Thương đã tổ chức các hội chợ, 7 phiên chợ Việt, 5 tuần hàng Việt nhằm kích cầu nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia quảng bá, tiêu thụ nông sản thực phẩm, trái cây, thủy sản, sản phẩm OCOP và phục vụ nhu cầu người tiêu dùng; Chủ trì phối hợp với 18 quận, huyện giới thiệu khoảng 30 địa điểm để khảo sát, phát triển thành các Điểm OCOP. Đến nay, tổ chức vận hành, phát triển thêm 10 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nâng tổng số điểm OCOP trên địa bàn Thành phố khoảng 80 địa điểm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tổ chức các Hội chợ, Festival, tuần lễ, hội nghị kết nối, trưng bày giới thiệu sản phẩm nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm nông, lâm, thủy sản đến các hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố; Tiếp tục duy trì, phát triển 159 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn, trong đó, có 53 chuỗi sản phẩm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi.

Sở Du lịch đã phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch mới và kích hoạt các sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ khách du lịch tới Hà Nội nhân dịp SEA Games 31 .Trong giai đoạn diễn ra SEA Games 31, Hà Nội đã đón gần 700 nghìn lượt khách du lịch nội địa, 31.448 lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú. Đáng chú ý, đã tổ chức thành công Lễ hội quà tặng du lịch, trong 3 ngày diễn ra Lễ hội (từ ngày 29/4-01/5/2022) tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, đã thu hút được khoảng 65.000 lượt khách trong nước, quốc tế đến thăm quan và trải nghiệm. Sở còn tổ chức thành công 2 Cuộc thi “Thiết kế sản phẩm quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2022” và “Ảnh Du lịch Hà Nội năm 2022”.

Hội liên hiệp phụ nữ duy trì tốt 2 điểm kết nối tiêu thụ nông sản an toàn và sàn thương mại điện tử nông nghiệp www.chonhaminh.gov.vn. Duy trì 133 điểm kết nối tại khu dân cư, trang thương mại điện tử, fanpage chợ nhà mình, hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm an toàn của phụ nữ Thủ đô. Tổ chức các sự kiện kết nối, quảng bá sản phẩm cho Doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tại ”Phiên chợ cuối tuần”; 21 chương trình kết nối xúc tiến thương mại của thành phố tại Hà Nội, các tỉnh, tại Lào, Camphuchia; Vận động cán bộ hội viên phụ nữ tiêu thụ 132 tấn nông sản, củ quả các loại.

Trong năm qua, Liên đoàn Lao động đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp tổ chức có hiệu quả các “Phiên chợ công nhân, phiên chợ nghĩa tình”, “Gian hàng giảm giá”, “Hội chợ hàng Việt”, “Chợ lưu động”, “Siêu thị Công đoàn”… với hàng hóa là thương hiệu Việt ở các khu đông công nhân lao động sinh sống, ưu tiên tổ chức tại các Khu công nghiệp, chế xuất, khu nhà trọ, nhà ở công nhân,…Các cấp Hội Nông dân Thành phố đã phối hợp với Bưu điện cùng cấp đưa 1.234 sản phẩm OCOP và 54 chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh nông sản đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Hội Phụ nữ duy trì tổ chức các chương trình, hội chợ, không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm giúp 2.025 lượt nữ chủ doanh nghiệp được hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm

Bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thủ đô, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ đã chủ động lựa chọn các điểm bán hàng mở cửa trở lại phục vụ Nhân dân dịp trong và sau Tết, hạn chế tình trạng lợi dụng đẩy giá bán tại các chợ truyền thống, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục tham mưu cho thành phố triển khai việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề, góp phần tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn Thành phố, năm 2023, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố sẽ chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, đồng thời lên án, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tuyên truyền, nhân rộng các mô hình điển hình, tôn vinh tổ chức, cá nhân, sản phẩm được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao. Tổ chức các chương trình tọa đàm, phóng sự, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng, các hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại, bình ổn thị trường; tổ chức các chương trình bán hàng Việt, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, vận động các doanh nghiệp triển khai bán hàng lưu động, đưa hàng về các đại lý, tại các vùng xa, phục vụ người tiêu dùng.

Triển khai các hội chợ, chương trình khuyến mại, giảm giá, chương trình kích cầu nội địa, kết nối giao thương, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội; Rà soát, triển khai chương trình kết nối giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài vào các thời điểm phù hợp.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn: Gắn hoạt động của CVĐ với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố; cùng Thành phố và các sở, ban, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung kết nối cung - cầu. Tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, tăng cường giới thiệu, kết nối để sản phẩm đi sâu vào đời sống dân cư, tạo thói quen tiêu dùng.

Ngoài ra, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, giá cả sản phẩm chống hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản tại Hà Nội: Tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng
Hà Nội: Đưa hàng Việt ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ
Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.