Góp ý về các quy định của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Cần có những quy định cụ thể hơn về tổ chức tư vấn định giá đất

Ngày 20/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Tọa đàm góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất.
Cần có những quy định cụ thể hơn về tổ chức tư vấn định giá đất
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì buổi Toạ đàm

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì Tọa đàm. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai điều hành nội dung thảo luận. Cùng dự Tọa đàm còn có các Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế; đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp.

Về phía các Bộ, ngành Trung ương có đại diện lãnh đạo Cục Quy hoạch phát triển và tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đại diện lãnh đạo Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Ban Pháp chế VCCI. Cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các Viện nghiên cứu, các trường đại học, các đơn vị tư vấn giá đất; các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Luật Đất đai rất quan trọng, đóng vai trò trung tâm của hệ thống pháp luật. Qua gần 10 năm triển khai thi hành Luật Đất đai 2013, đất đai ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo quốc phòng an ninh. Vì vậy, việc sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai và đưa đất đai phát triển là nội dung hết sức quan trọng nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hệ thông hóa các Nghị quyết của Đảng.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được Đảng, Nhà nước và Nhân dân quan tâm. Thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/06/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội theo quy trình 3 kỳ họp: trình lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, cho ý kiến lần 2 vào Kỳ họp thứ 5 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Chính phủ sau khi tiếp thu, hoàn thiện, thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW và trên cơ sở Nghị quyết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ đã có dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10, 11/2022.

Vừa qua, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thực hiện Nghị quyết 671/NQ- UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hiện đang chỉ đạo các cấp, các ngành lấy ý kiến của Nhân dân dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo quy định, ngày 15/3 tới sẽ hoàn thiện việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật này.

Theo đó, quản lý đất đai là lĩnh vực rất phức tạp, nhạy cảm, tác động đến toàn bộ xã hội, các giai tầng, các lĩnh vực. Nếu xử lý, khơi thông được chính sách tài chính về đất đai và giá đất thì những vấn đề khác của Luật Đất đai cũng sẽ được xử lý, kể cả việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư…

Góp ý vào các quy định liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất, PGS.TS Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học-Đào tạo, Đại học Thành Đông cho biết, trong thời gian qua, cơ chế xác định giá đất còn nhiều bất cập mà nguyên nhân chủ yếu do việc xác định giá đất cụ thể thấp hơn so với giá thị trường gây thu thất thu ngân sách Nhà nước, nhiều tiêu cực, tham nhũng. Nguyên nhân việc xác định giá đất và phương pháp định giá đất chưa phù hợp sát với giá trên thị trường.

Định giá đất sát với giá thị trường luôn là yêu cầu trong Luật Đất đai. Định giá đất là vấn đề không hề đơn giản, làm thế nào để mức giá của Nhà nước định phản ánh sát giá thị trường, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, giải pháp tối ưu nhất để định giá sát với thị trường, đó là giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành thực hiện.

Các tổ chức này cũng có nghĩa vụ tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc, phương pháp định giá trong “Tiêu chuẩn định giá Tài sản của Việt Nam”, bảo đảm sự thống nhất trong việc định giá đất như phản ánh trung thực giá thị trường, nguyên tắc độc lập, khách quan của các chủ thể tư vấn, xác định giá đất, tuân thủ cơ chế kiểm tra, giám sát…

Đặc biệt, các tổ chức định giá đất cần thực hiện một cách khách quan các tiêu chuẩn định giá đất. Có như vậy, hoạt động định giá đất mới bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và giá đất do cơ quan định giá đất xác định sẽ phản ánh đúng giá trị của thị trường.

Về tổ chức tư vấn định giá đất, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị cần có những quy định cụ thể hơn về tổ chức này, trong đó nên bổ sung vào quyền hạn của tổ chức này được quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước quản lý thông tin về đất đai cung cấp những thông tin để phục vụ cho nhiệm vụ của tổ chức.

Các đại biểu cơ bản đồng tình với bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 01/01 của năm. Đồng thời đề nghị Chính phủ xây dựng tiêu chuẩn định giá tài sản. Mở rộng áp dụng biện pháp đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình định giá đất ở địa phương một các thường xuyên, chuyên nghiệp, thanh tra đột xuất trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Tọa đàm tập trung cho ý kiến về các quy định của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất và đây là nhóm vấn đề quan trọng nhất. Qua thảo luận, các ý kiến đều thống nhất về vai trò, vị trí của chính sách liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất. Nhiều ý kiến đề nghị các quy định cụ thể trong các điều khoản giữa Luật Đất đai và các luật khác thì cần được bổ sung, hoàn thiện hơn nữa.

Vấn đề thuế trong dự thảo Luật này còn rất mỏng, do đó đề nghị cần quy định thêm nguyên tắc, còn Luật Thuế sẽ quy định các vấn đề cụ thể.

Liên quan đến tài chính về đất đai, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm các trường hợp miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tham vấn cho Ủy ban Kinh tế về nội dung này. Về vấn đề điều tiết ngân sách Trung ương, địa phương, các đại biểu đề nghị cần hoàn thiện thêm trong chính sách về thuế.

Theo đó, vấn đề khó nhất, phức tạp nhất là chưa có hướng mở để đưa ra phương pháp xác định giá đất cụ thể trong các trường hợp để giải quyết tất cả vướng mắc, bất cập. Dù yêu cầu đặt ra rất cao và khó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tính toán để khắc phục các khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, có nhiều ý kiến quan tâm đến thời điểm tính tiền sử dụng đất, phương án nộp tiền hàng năm hoặc 1 lần cho cả dự án. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu để có phương án tối ưu.

Về bảng giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, có những biến động về bảng giá đất nên cần có điều chỉnh để quá trình thực thi thuận lợi. Về hội đồng thẩm định giá đất, đề nghị phải đảm bảo tính độc lập, tính chuyên môn nghiệp vụ của Hội đồng thẩm định giá đất, cơ quan định giá, cơ quan quyết định giá đất, bảo đảm trung thực, khách quan.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cơ quan chuyên môn giúp cho cấp ủy chính quyền địa phương xử lý vấn đề này, các ý kiến băn khoăn chính quyền địa phương là HĐND hay UBND, cơ quan chuyên môn giúp HĐND hoặc UBND để xác định giá đất là Sở Tài chính hay Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, ngăn tham nhũng, tiêu cực
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Sâu sát hơn với việc lấy ý kiến vào Luật Đất đai
Những vấn đề nào cần giải quyết để xây dựng khung giá đất hiệu quả?

Đăng Khôi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.