Hà Nội: Tăng cường kết nối cung cầu với các tỉnh, thành trong cả nước

Trong năm 2023, TP Hà Nội sẽ tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô gắn với phát triển các mô hình kinh tế mới, tăng sức mua và bình ổn thị trường, gắn với kế hoạch hội nhập quốc tế giai đoạn 2021-2025, thúc đẩy các hoạt động liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung-cầu sản phẩm với các tỉnh, TP trong cả nước.
Năm 2023, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô gắn với phát triển các mô hình kinh tế mới.(ảnh: Tuyết Nhi)
Năm 2023, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô gắn với phát triển các mô hình kinh tế mới.

Theo số liệu thống kê, năm 2022, kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19, tăng trưởng GRDP đạt mức cao nhất trong 10 năm gần đây. Kết quả này có đóng góp tích cực trong triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội của cả hệ thộng chính trị và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội tăng 8,89% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (7,0% - 7,5%) và là mức tăng cao trong nhiều năm gần đây, thể hiện sự quyết tâm, năng động của Đảng bộ và chính quyền TP cũng như nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các địa phương, sở, ngành và doanh nghiệp.

Theo Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng, khu vực dịch vụ năm 2022 tăng 10,06% so với năm 2021, đóng góp 6,44 điểm % vào mức tăng GRDP. Trong năm, các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, thông tin… được đẩy mạnh trong trạng thái bình thường mới, tạo đà phục hồi ngành thương mại, dịch vụ. TP đã tăng cường thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, phát triển các loại hình kinh doanh đa dạng, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, hướng đến thị trường tiêu dùng thông minh; đồng thời, kết nối nhanh hơn giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Một số ngành dịch vụ tăng cao so với năm trước, đóng góp đáng kể vào mức tăng chung như: Vận tải kho bãi tăng 15,36%, thông tin và truyền thông tăng 6,5%, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm du lịch, lữ hành) tăng 40,51%, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,19%, bán buôn, bán lẻ tăng 8,58%...

Trong năm 2023, TP Hà Nội sẽ tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô gắn với phát triển các mô hình kinh tế mới, tăng sức mua và bình ổn thị trường, gắn với kế hoạch hội nhập quốc tế giai đoạn 2021-2025, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của kinh tế Thủ đô và gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; thúc đẩy các hoạt động liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung-cầu sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát triển thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt và mạng lưới kinh doanh thương mại hiện đại bao phủ cả khu vực ngoại thành. Quản lý tốt các chợ, giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm và quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, không để lợi dụng tăng giá.

Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng trên 10%...

TP Hà Nội cũng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển các động lực tăng trưởng mới với trọng tâm chọn chuyển đổi số là động lực phát triển; phát triển các mô hình kinh tế mới; đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư.

Theo đó, các mô hình kinh tế được TP Hà Nội triển khai như: Dự kiến đầu tư xây mới 48 chợ; đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 57 chợ. Các xã, phường, thị trấn chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ được rà soát đưa vào danh mục chợ trên địa bàn; 100% số chợ được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa phải đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, văn minh thương mại... . Phấn đấu, đến hết năm 2023, 90% số chợ được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng theo quy định.

Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận với quỹ đất sạch, góp phần giảm kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư dự án; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đối với các chợ còn vướng mắc về đất đai theo quy định.

Mô hình phát triển kinh tế địa phương thông qua chương trình OCOP. Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô; là "cú hích" làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch TP Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream).

“Thời gian qua, Hà Nội triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Sendo. Các kênh thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền của Hà Nội đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế”, bà Nguyễn Thị Mai Anh nhấn mạnh.

Hà Nội: Tổ chức chuỗi sự kiện Hà Nội đêm không ngủ - Kết nối cung cầu Hà Nội: Tổ chức chuỗi sự kiện Hà Nội đêm không ngủ - Kết nối cung cầu
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” Phát huy tiềm năng, thế mạnh, “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”
Hà Nội tăng cường hợp tác phát triển với các địa phương trong cả nước Hà Nội tăng cường hợp tác phát triển với các địa phương trong cả nước

Tuyết Nhi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.