Bí quyết giành học bổng trường top 20 thế giới của nữ sinh viên

Nhận học bổng thạc sĩ vốn là điều không dễ dàng, nhất là ở các trường top đầu thế giới, mới đây sinh viên Nguyễn Mai Chi (trường ĐH Ngoại thương Hà Nội) đã giành được học bổng thạc sĩ của ĐH Bắc Kinh (Peking University), Trung Quốc. Dù đã chuẩn bị rất kỹ cho hồ sơ học bổng, tuy nhiên, bản thân Mai Chi cùng gia đình và bạn bè cũng không giấu nổi niềm tự hào.
Mai Chi (ngoài cùng bên phải) trong những lần được xướng tên ở các giải thưởng lớn em đã đoạt được
Mai Chi (ngoài cùng bên phải) trong những lần được xướng tên ở các giải thưởng lớn em đã đoạt được.

Cô sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội vốn nổi tiếng với bảng thành tích khủng như: Dự án về công nghệ sinh học cùng nhóm sinh viên Thanh Hoa thắng giải People's Choice Award - cuộc thi Global Innovation Challenge 2022; Quán quân cuộc thi Speak Out Loud - cuộc thi về hùng biện Tiếng Anh; Á quân 2 cuộc thi Zone Bootcamp về khởi nghiệp công nghệ, tổ chức bởi ngân hàng ACB và trường đại học HongKong; Top 4, Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp về đổi mới sáng tạo ngành sức khỏe; Top 20 toàn quốc “Tìm kiếm tài năng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia - TECHFEST”; Sinh viên Xuất sắc ĐH Ngoại thương: Sinh viên 5 tốt cấp TP; Đại diện Việt Nam thắng giải “Tinh thần doanh nhân toàn cầu” - cuộc thi Social Business Creation 2022;

Mai Chi còn thông thạo về thiết kế đồ họa, cô có bằng nghề quốc tế về truyền thông đa phương tiện; chứng chỉ chuyên gia thiết kế truyền thông, cấp bởi Adobe; giao tiếp được tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật…

Trường ĐH Bắc Kinh (Peking University) là 1 trong những trường ĐH lâu đời và nổi tiếng nhất tại Trung Quốc. Năm 2022, trường nằm trong top 20 ĐH tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) và Quacquarelli Symonds (QS). Trường được ví như “Cambridge của Trung Quốc” và cùng với ĐH Thanh Hoa là 2 ĐH hàng đầu ở đất nước tỷ dân. Khi nộp hồ sơ xin học bổng thạc sỹ ở đây, Chi tâm niệm rằng, đây sẽ là một nền tảng rất tốt cho sự nghiệp của cô sau này.

Được biết, Mai Chi bắt đầu có ý định du học Trung Quốc khi có định hướng trở thành giáo sư, nhà nghiên cứu, giảng viên ĐH. Trong suốt quá trình làm nghiên cứu, em nhận ra rằng Trung Quốc có lượng lớn các bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Đặc biệt, em rất hứng thú với những chương trình nghiên cứu của ĐH Bắc Kinh bởi trường sẽ hỗ trợ hầu hết các chi phí nghiên cứu cho sinh viên. Ngoài ra, trường còn có kho tàng nghiên cứu dồi dào và những số liệu được cập nhật mới nhất từ Bloomberg.

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, Chi cho biết: “Trong bộ hồ sơ của em bao gồm 2 bài luận chính: một bài luận về kế hoạch học tập và kế hoạch nghiên cứu, một bài luận về khả năng lãnh đạo, 1 lý lịch cá nhân, 2 thư giới thiệu từ 1 giáo sư trong nước và 1 giáo sư quốc tế (trước đây em đã làm trợ lý nghiên cứu cho các giáo sư), các chứng chỉ của các giải thưởng trong nước và quốc tế (tổng cộng 23 giải thưởng), công bố nghiên cứu (9 bài nghiên cứu khoa học), kinh nghiệm đi làm và đi thực tập tại các Cty lớn (Techcombank, VTVCab, ĐH Ngoại thương), các hoạt động ngoại khóa khác…

Đối với bài luận: Phải hiểu rõ về bản thân, ngành học, nêu rõ kinh nghiệm của mình liên quan đến ngành học, nghiên cứu trước đây và định hướng trong tương lai. Trong bài luận, em đã nhấn mạnh rất rõ về việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến kinh tế bền vững và tài chính xanh. Đối với phần phỏng vấn, dù trường không yêu cầu nhưng em đã chuẩn bị một bản thuyết trình để giới thiệu bản thân, sự chủ động cũng là một điểm cộng.

Vì là chương trình thạc sĩ nên hầu hết những câu hỏi chuyên ngành, yêu cầu sự tìm hiểu kỹ lưỡng về phần kinh nghiệm và định hướng nghiên cứu lâu dài. Phần phỏng vấn sẽ xoay quanh 4 vấn đề chính: Kiến thức chuyên ngành, khả năng nghiên cứu, khả năng lãnh đạo và ngôn ngữ, cách biểu đạt”.

Một kinh nghiệm nữa để tăng tính cạnh tranh cho hồ sơ của mình, đó là các ứng viên nên bổ sung thêm nhiều giải thưởng và các chương trình xã hội mà mình đã tham gia. Với Chi đó là việc tham gia các cuộc thi về kinh tế, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tầm quốc gia và quốc tế, làm nghiên cứu khoa học cùng các thầy cô giáo trong trường, học ngoại ngữ tốt và học thêm các kỹ năng mềm khác (thiết kế, hùng biện, diễn thuyết trước công chúng…).

Bên cạnh đó, đừng quá áp lực, đừng so sánh mình với người khác, hãy tận dụng thời gian đó để biến bản thân tốt hơn. Sẽ hiệu quả hơn nếu có người đồng hành cùng bạn trong suốt quá trình làm hồ sơ. Tuy nhiên, hãy tìm đúng người (đừng hỏi 1 người học Kinh tế nói về ngành Hán ngữ, đừng hỏi người 1 người học ở Nam Kinh về Bắc Đại...). Hãy tìm người đúng ngành, tốt hơn hết là đúng trường.

Mai Chi cho biết, sau khi học xong thạc sĩ tại Trung Quốc, cô có định hướng học tiếp lên Tiến sĩ tại trường đại học top 10 thế giới hoặc 1 trong các trường đại học khối Ivy League tại Mỹ. Mục tiêu của Chi là làm nghiên cứu lâu dài và sẽ quay lại Việt Nam giảng dạy sau thời gian học xong Tiến sĩ.

Nữ sinh đa tài, “ẵm” học bổng 5 tỷ đồng của ĐH Mỹ
Nữ sinh giành học bổng Mỹ đưa góc nhìn về y tế, sức khỏe
Sinh viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội giành giải thưởng Loa Thành

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.