Tiếng hát giúp những tâm hồn lầm lỗi quay về nẻo thiện

“Xin cảm ơn thầy, người thầy dạy lương tri. Trật tự kỷ cương trách nhiệm, tình thương. Là kim chỉ nam tim thầy tâm huyết mang theo. Quản chi khó khăn giúp đời quay về nẻo thiện. Ánh dương rạng ngời, nơi bến đợi của chuyến đò hoàn lương…” tiếng hát da diết, chứa chan tình cảm kéo chúng tôi vào hội trường phân trại số 1, Trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công an)- nơi đội văn nghệ của phân trại đang tập dượt lần cuối các tiết mục, biểu diễn vào tết Nguyên đán Quý Mão...
Tiếng hát giúp những tâm hồn lầm lỗi quay về nẻo thiện

Nguyễn Đức Tuấn Anh với bài hát “Người lái đò trên dòng sông hoàn lương”

Sáng tác bài hát để cải tạo tâm hồn

“Trong số 10 bài hát mà tôi sáng tác thì bài “Người lái đò trên dòng sông hoàn lương” là tôi tâm đắc nhất bởi đó là tình cảm, là sự yêu mến của những người lầm lỗi như tôi dành cho các cán bộ trại giam”, phạm nhân Nguyễn Đức Tuấn Anh, quê ở phường Y Na, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Bị kết án chung thân về tội giết người, phạm nhân này vào trại giam Vĩnh Quang thi hành án, tính đến nay đã đón 20 cái Tết trong trại giam. Nói về cơ duyên của mình đến với tiếng đàn, tiếng hát, Tuấn Anh chia sẻ: “Ngày ở nhà tôi chưa biết mình lại có năng khiếu về âm nhạc cho tới khi bước chân vào trại cải tạo. Từ khi tham gia vào đội văn nghệ, được cán bộ chỉ bảo kết hợp với việc mày mò tự học, đến nay tôi đã biết chơi guitar và sử dụng được một số loại nhạc cụ khác”.

Theo lời Tuấn Anh thì ngày mới vào trại giam, anh rất mặc cảm về tội lỗi của mình. Nhưng rồi những bài hát, những khúc nhạc đã khỏa lấp những trống vắng trong tâm hồn, thôi thúc khát khao tìm lại cuộc sống xưa kia. Rồi được cán bộ giáo dục động viên, khuyến khích, Tuấn Anh dần trút bỏ được sự mặc cảm, sống hòa nhập hơn với mọi người xung quanh. Không những thế, Tuấn Anh còn mạnh dạn xin vào đội văn nghệ.

“Mỗi khi ôm đàn, tiếng nhạc khiến tôi thấy vui vẻ và tràn đầy quyết tâm hoàn lương. Chính vì thế mà khi được cán bộ động viên, khích lệ, tôi đã tham gia vào đội văn nghệ, tính đến nay đã chục năm rồi”, phạm nhân Tuấn Anh chia sẻ.

Là người được giao nhiệm vụ quản lý tổ văn nghệ của phân trại, Thượng úy Phạm Tiến Quỳnh, cán bộ trại giam phân trại số 1 Trại giam Vĩnh Quang, hiểu tường tận hoàn cảnh, tính nết cũng như năng khiếu của từng phạm nhân trong đội văn nghệ. Anh bảo ngày đầu, khi được Ban Giám thị đồng ý thành lập tổ văn nghệ, chỉ có 4 phạm nhân đăng ký tham gia, chủ yếu là chỉ biết hát. Nhưng sau khi được cán bộ chỉ dạy, 4 phạm nhân này dần biết đánh đàn, đánh trống, lôi kéo được nhiều phạm nhân khác tham gia. Đến nay, tổ văn nghệ đã có 15 thành viên đều là những phạm nhân cải tạo tốt, có năng khiếu âm nhạc, chơi được các nhạc cụ guitar, trống, sáo…

Theo Thượng uý Phạm Tiến Quỳnh, Tuấn Anh là một trong 4 phạm nhân có năng khiếu và cũng rất đam mê trong việc học âm nhạc nên việc truyền dạy kiến thức về nhạc lý cho những phạm nhân như thế này rất nhàn. Ngoài những bài học cơ bản về nhạc lý mà cán bộ chỉ dạy, họ còn lên thư viện mượn sách nhạc về tham khảo, tự mày mò học hỏi và trao đổi, chỉ bảo thêm cho nhau. Chính vì thế mà cả 4 người không chỉ biết chơi guitar mà còn biết sử dụng một số loại nhạc cụ khác. Riêng Tuấn Anh còn biết tự sáng tác bài hát, tính đến nay đã hoàn thiện được 10 bài hát trong đó có bài “Người lái đò trên dòng sông hoàn lương” đang tập luyện để biểu diễn vào dịp Tết Nguyên đán tới đây.

Một phạm nhân cũng khá xuất sắc trong đội văn nghệ của phân trại số 1, Trại giam Vĩnh Quang là Đỗ Sỹ Long, SN 1986, quê ở Văn Tiến, Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Là người có năng khiếu văn nghệ, có thể hát và chơi nhiều loại nhạc cụ nên khi vào Trại giam Vĩnh Quang cải tạo, Long đã xung phong tham gia đội văn nghệ. Theo đó, các hội thi, hội diễn, biểu diễn phục vụ các ngày, lễ tết… đều có sự góp mặt của Long.

Chia sẻ với chúng tôi về lý do tham gia đội văn nghệ, Long bảo khi bước chân vào trại cải tạo đã xác định tư tưởng rằng cố gắng cải tạo thật tốt để có cơ hội sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Thế nên những việc gì khả năng có thể làm được, anh đều nhiệt tình tham gia. Với Long, tiếng hát, tiếng nhạc sẽ giúp bản thân và các phạm nhân khác bình tâm nhìn lại việc mình đã làm, xác định con đường phải đi qua để thoát ra khỏi những ưu tư, mặc cảm mà vui vẻ hơn, nỗ lực phấn đấu hơn trên chặng đường làm lại cuộc đời.

Cũng giống như Long và Tuấn Anh, phạm nhân Lê Thanh Tú cũng coi đội văn nghệ là nơi gửi gắm tâm tư, nỗi niềm để hoàn thiện bản thân. Với giọng hát trầm ấm cũng như khả năng chơi đàn guitar khá thành thạo, Tú luôn có mặt trong các tiết mục văn nghệ của đội khi đi biểu diễn.

Tú bảo ngày mới vào trại giam, Tú rất mặc cảm về tội lỗi của mình nên sống lặng lẽ, đi làm về là tìm một góc khuất ngồi tư lự, không tham gia bất cứ hoạt động nào của trại. Được Ban giám thị, cán bộ quản giáo động viên, Tú như gỡ bỏ được sự mặc cảm, tâm tính cũng dần thay đổi. Không chỉ tích cực cải tạo, anh ta còn tham gia vào đội văn hóa, làm báo tường, viết bản tin và sáng tác bài hát, phổ nhạc thơ do bạn tù sáng tác.

Qua thời gian cải tạo, phạm nhân Lê Thanh Tú có thành tích cải tạo tốt nên được cán bộ tin tưởng giao công tác trưởng ban văn hoá, tổng hợp tình hình chung trong phân trại, tổng hợp thi đua. Tâm sự với chúng tôi, Tú bảo rằng, không những làm công tác chuyên môn, Tú còn đang cùng với những phạm nhân trong đội chuẩn bị cho các tiết mục để tham gia cuộc thi “Tiếng hát tình đời” trong trại giam.

Cũng theo lời phạm nhân Lê Thanh Tú thì dù ở trong trại giam, được ban cán bộ ưu ái, tạo điều kiện cho làm những công việc đúng sở trường của mình, nhưng trong sâu thẳm, anh ta vẫn thấy buồn. Bởi xưa kia, Tú từng có một gia đình khiến nhiều người ước mơ, vậy mà anh ta không biết giữ lấy. Giờ đây, gia đình ấy tan đàn xẻ nghé hết cả. Bố thì mất, mẹ cô quạnh ở quê, còn vợ của Tú cũng đã bỏ xứ vào miền Nam lập nghiệp. Chính vì vậy, những lúc buồn, Tú lại gửi gắm tâm hồn mình vào những bài hát để quên đi những sầu bi của cuộc đời. Và giờ, Tú mong mỏi sẽ cố gắng hết sức mình để mong được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm được trở về với mẹ và bù đắp cho con, cho gia đình...

Và những phạm nhân nước ngoài hát tiếng Việt

Chúng tôi thực sự bất ngờ khi nghe Trung tá Lê Thị Huyền, Đội trưởng Đội giáo dục – Hồ sơ Trại giam Vĩnh Quang cho biết trong cuộc thi hội diễn “Tiếng hát tình đời” do Trại giam Vĩnh Quang tổ chức vừa qua, các phạm nhân người nước ngoài đã đạt giải nhất.

Tiếng hát giúp những tâm hồn lầm lỗi quay về nẻo thiện

Bài hát do Nguyễn Đức Tuấn Anh sáng tác

Tác phẩm của họ có tên “Khát vọng hoàn lương” do chính Thượng tá Tạ Văn Lương, Phó giám thị Trại giam Vĩnh Quang, phụ trách phân trại số 4 trực tiếp viết kịch bản. Bản viết sau đó được chỉnh sửa rồi đưa cho các cán bộ và phạm nhân người nước ngoài thực hiện.

Theo Trung tá Huyền, các phạm nhân người nước ngoài đang cải tạo ở Trại giam Vĩnh Quang tuy chỉ nói được vài câu giao tiếp bằng tiếng Việt nhưng họ lại rất tích cực tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ. Thế nên nếu chỉ nghe thôi, khó có thể phân biệt được người đang hát đấy là người nước ngoài bởi tiếng hát rất tròn vành, rõ chữ. Một vài người không chỉ giao tiếp còn biết đọc thơ, trình diễn tiểu phẩm,…

Điển hình như phạm nhân Khăm Phi, SN 1989, quê ở Hủa Phăn, Lào. Thi đang thi hành bản án 20 năm tù về tội ma túy, khi vào trại giam còn không biết nói tiếng Việt. Sau một thời gian cải tạo và tích cực tham gia vào đội văn nghệ, phạm nhân này đã nói được tiếng Việt và trong đợt hội diễn vừa qua, tiết mục đơn ca bài “Hà Nội – Viêng Chăn” bằng cả tiếng Việt và tiếng Lào của anh ta đã đạt giải nhất. Không những thế, Phi hát Quốc ca Việt Nam, hát những bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ một cách nhuần nhuyễn, sâu lắng như hát những bài hát của đất nước mình.

“Lúc đầu, tôi được thi hành án ở Trại giam Phú Sơn 4, sau đó được chuyển về đây. Do gia đình ở xa, rất ít khi thăm, gửi lưu ký nên mọi sinh hoạt của tôi đều do Nhà nước Việt Nam cung cấp”, Khăm Phi cho biết.

“Cám ơn bàn tay ân cần dìu dắt chúng tôi. Cám ơn tình thương đong đầy ấm áp sẻ chia. Cám ơn trái tim dìu dàng chân thành độ lượng. Xin cảm ơn thầy, người thầy dạy lương tri. Trật tự kỷ cương trách nhiệm, tình thương. Là kim chỉ nam tim thầy tâm huyết mang theo. Quản chi khó khăn giúp đời quay về nẻo thiện. Ánh dương rạng ngời, nơi bến đợi của chuyến đò hoàn lương. Rồi mai đây những chuyến đò hoàn lương cập bến. Chúng tôi trở về để viết tiếp ước mơ xưa. Bài học về lương tri, về tình người tôi luôn khắc ghi. Phải sống cho mọi người, cho cuộc đời và tương lai. Người thân thương nơi quê nhà vòng tay chờ đón. Cánh chim lạc đàn quay về bến đỗ yêu thương. Hành trang tôi mang theo có dáng hình người thầy mến yêu. Xin cám ơn thầy, người lái đò trên dòng sông hoàn lương”.

Tiếng đàn, tiếng hát trầm bổng cứ thế vang xa giữa trưa mùa đông đầy nắng như gửi gắm lời tri ân của phạm nhân dành cho cán bộ trại giam – những người đang giúp họ vượt qua lầm lỗi để tìm lại chính mình.

Nữ phạm nhân ấp ủ nhiều dự định ngày về
Nữ phạm nhân mong ngày được hoàn lương
Nữ phạm nhân mong ngày trở về đón Tết cùng các con

Thái An - Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.