Người dân không nên "dễ dãi" trong lựa chọn thực phẩm

Ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái nhất để vui xuân đón Tết trong niềm vui trọn vẹn, sum vầy và bảo đảm an toàn.
Càng những ngày giáp Tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, theo đó vấn đề an toàn thực phẩm luôn được các cấp, ngành Thủ đô quan tâm, sát sao.(ảnh: Văn Biên)
Càng những ngày giáp Tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, theo đó vấn đề an toàn thực phẩm luôn được các cấp, ngành Thủ đô quan tâm, sát sao. (Ảnh: Văn Biên)

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, TP Hà Nội hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có: 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 24 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 718 điểm giết mổ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, 5.044ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát. Sản xuất thực phẩm của thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.

Trong năm 2022, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, tuyến TP đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo và triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, tập trung vào các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm.

Theo ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, để bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tham mưu Sở Y tế và UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch về bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân.

Ông Đặng Thanh Phong cho biết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành kiểm tra các BCĐ của quận, huyện, thị xã. Trong quá trình kiểm tra đơn vị đã đề nghị quận, huyện, thị xã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra BCĐ xã, phường, thị trấn đảm bảo tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến trên địa bàn địa phường phải được kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm nếu vi phạm (tiến hành lập biên bản và giao lại cho BCĐ quận, huyện, thị xã xử lý vi phạm…).

“Đối với những trường hợp không khắc phục đơn vị sẽ yêu cầu dừng sản xuất kinh doanh, không đưa vào phục vụ dịp Tết Nguyên đán, Tết dương lịch… Đặc biệt, sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất kinh doanh như sản xuất kinh doanh giò chả, bánh mứt kẹo… đây chính là những cơ sở có lượng sản xuất, tiêu thụ lớn trong dịp Tết", ông Đặng Thanh Phong cho hay.

Cũng theo ông Đặng Thanh Phong, tính đến cuối tháng 12/2022, Chi cục đã kiểm tra được 50% các quận huyện, thị xã, từ nay đến Tết âm lịch sẽ tiếp tục kiểm tra và sau Tết sẽ tập trung kiểm tra tại các lễ hội. Qua thực tế kiểm tra cho thấy, ngoài những cơ sở nghiêm túc thực hiện quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn TP vẫn có một số cơ sở, hộ kinh doanh chưa thực hiện tốt. Đoàn kiểm tra đã đề nghị dừng ngay sản xuất để khắc phục những tồn tại, sau đó sẽ báo cáo BCĐ quận, huyện kiểm tra nếu đạt sẽ cho tiếp tục sản xuất.

Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong khuyến cáo, dịp Tết là dịp thực phẩm lưu thông nhiều và tăng đột biến nên người dân phải lựa chọn mua bán thực phẩm tại những cơ sở có địa điểm kinh doanh uy tín; nguồn gốc thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, không nên "dễ dãi" trong lựa chọn thực phẩm; có thể chọn thực phẩm bằng kinh nghiệm hoặc bằng thị giác. Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái nhất để vui xuân đón Tết trong niềm vui trọn vẹn, sum vầy và bảo đảm an toàn.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong năm 2023, Hà Nội sẽ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành công tác an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt đối với cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, kế hoạch cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm trên toàn thành phố, quy chế phối hợp giữa các sở ngành TP và UBND quận, huyện, thị xã. Đồng thời chủ động và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng an toàn thực phẩm, khuyến kích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Đặc biệt sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, hậu kiểm, kiểm nghiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm, chuyên đề về an toàn thực phẩm đã được phê duyệt, đề xuất nhân rộng các hoạt động đã triển khai và được đánh giá có hiệu quả.

Hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm đối với gia đình trong phòng chống Covid-19 Hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm đối với gia đình trong phòng chống Covid-19
Đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ tốt nhu cầu của người dân Thủ đô dịp cuối năm Đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ tốt nhu cầu của người dân Thủ đô dịp cuối năm
Liên kết vùng trong cung cấp thực phẩm Liên kết vùng trong cung cấp thực phẩm "sạch" cho Nhân dân Thủ đô

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.