Nhiều ngành gặp khó theo đà suy giảm của bất động sản

Ngành bất động sản (BĐS) có liên quan đến hệ sinh thái của nhiều ngành khác như: Quản lý dự án, vật liệu xây dựng, vận chuyển…Vì vậy, khi thị trường BĐS suy giảm, nhiều DN sẽ bị ảnh hưởng.
Nhiều ngành gặp khó theo đà suy giảm của bất động sản. Ảnh minh họa
Nhiều ngành gặp khó theo đà suy giảm của bất động sản. Ảnh: Khánh Huy

Nhu cầu thấp

Ông Nguyễn Minh Tường đang quản lý một đại lý phân phối sắt thép ở phường Vệ An (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, thép là ngành bị ảnh hưởng rất lớn khi BĐS khó khăn. Giá thép đã được điều chỉnh xuống nhiều lần nhằm hỗ trợ khách mua, nhưng chủ yếu do nhu cầu thấp nên hàng bán chậm, còn chủ đầu tư BĐS thì kêu không xoay sở được tiền để trả... Đại lý giờ chỉ trông vào phần nhỏ bán lẻ từ phía người dân có nhu cầu xây nhà ở.

Cũng theo ông Tường, không chỉ các DN nhỏ, mà ngay cả một số nhà sản xuất thép lớn cũng đang đối mặt với sự sụt giảm đáng kể về sản lượng lẫn tiêu thụ. Thép trong nước chủ yếu được tiêu thụ nhờ dự án BĐS và đầu tư công. Nhưng nhóm dự án địa ốc gần như đóng băng khi thị trường gặp khó về pháp lý, vốn, thanh khoản... nên đã tác động đến ngành thép.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: “DN BĐS bán được hàng, chắc chắn ngành cung cấp đầu vào cho việc phát triển nhà ở cũng kích hoạt. Ví dụ như: Vật liệu, xi măng, gạch đá, cát sỏi, sắt thép, thiết bị máy móc, thì sau đó công trường, nhà máy lại được sản xuất. Nhưng thực tế hiện nay, một số nhà máy đang phải dừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng do không có thị trường, hoạt động thị trường yếu, công nhân nghỉ việc… dẫn đến nguy cơ phá sản rất cao”.

Lan tỏa trên 40 ngành

Liên quan đến sự tác động kinh tế của BĐS, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu đề tài khoa học: BĐS trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách. Bằng phương pháp lượng hóa, đề tài tập trung làm rõ những nội dung và vai trò cơ bản nhất của thị trường BĐS Việt Nam.

Trong đó, đề tài cho thấy sự đóng góp của BĐS thông qua khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như: Xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng...

Bên cạnh đó, đề tài còn chỉ ra rằng, khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành BĐS mở rộng tăng 1 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 0,772 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 0,191 tỷ đồng…

Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành BĐS thay đổi giảm 10%: GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%, tiếp theo đó là các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); dịch vụ khác (giảm 0,348%)%); du lịch (giảm 0,352%)…

Trước nỗi lo khi BĐS ngưng trệ sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành khác, Chính phủ rất nhanh chóng triển khai các chính sách giải quyết kịp thời. Cụ thể 3 ngày liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ ký 3 Công điện chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường BĐS. Đó là, Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 "về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế"; Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 "về thị trường trái phiếu doanh nghiệp"; Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 "về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở".

Với những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, theo ông Nguyễn Văn Đính sẽ tạo ra những thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển thị trường BĐS Việt Nam.

Đồng quan điểm về sự tích cực vào cuộc gỡ khó cho thị trường BĐS, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá ngoài vấn đề vốn, chúng ta còn chủ động hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường BĐS. Không phải để khi thị trường BĐS bộc lộ khó khăn mới thực hiện. Ví dụ như việc sửa đổi Luật Đất đai, chúng ta đã có kế hoạch từ rất xa. Sau gần 3 năm đánh giá tổng kết, chúng ta có Nghị quyết 18 nhằm định hướng sửa đổi Luật Đất đai... Dự kiến sắp tới có ít nhất 3 luật trình Quốc hội để thông qua, trước mắt Luật Đất đai sẽ trình vào cuối năm nay.

Nhấn mạnh thêm, ông Phan Đức Hiển đưa ra ý kiến: Để thị trường BĐS năm tới sớm về trạng thái ổn định cần củng cố niềm tin về thị trường tới người tiêu dùng, điều này đòi hỏi "sự tham gia có trách nhiệm" từ 3 phía: Nhà nước - nhà đầu tư - DN.

Thị trường bất động sản vẫn có nhiều tiềm năng nhưng thiếu sự tự tin
Kinh tế toàn cầu trong năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn
Năm 2023 thị trường bất động sản đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc

TH

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.