Năng lượng tràn đầy cho động lực phát triển kinh tế năm 2023

Trong năm qua, GDP của Việt Nam vươn lên thứ 3 về quy mô trong khu vực Đông Nam Á và thứ 33 thế giới. Điều này thể hiện quyết tâm vượt khó của Chính phủ và cộng đồng DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh ở tất cả các khu vực kinh tế...
Hành trang và động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 được duy trì trên nền tảng triển khai các chính sách kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
Hành trang và động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 được duy trì trên nền tảng triển khai các chính sách kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Bước đà cho sự tăng trưởng

Năm 2022 kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như: Chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, sản xuất công nghiệp trong quý IV-2022 có xu hướng giảm dần do đơn hàng sụt giảm và thiếu hụt nguồn cung nguyên, vật liệu. Xuất, nhập khẩu cũng có xu hướng chững lại. Song với những nỗ lực từ nội lực Việt Nam vẫn có những bước tiến vượt bậc.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 ước đạt 8,02%, mức cao nhất giai đoạn 2011-2022. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 3,15% so với năm 2021 (vượt mục tiêu đề ra). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5%, trong đó xuất đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Trong đó xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 23,5% và sang khu vực Đông Nam Á tăng 23,3%... Cán cân thương mại hàng hóa trong năm ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu về thương mại.

GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110USD, tăng 393USD so với năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước.

Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Kết quả đạt được nêu trên của Việt Nam được đánh giá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới nhìn chung đang rất ảm đạm. Xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nói chung, thể hiện sự linh hoạt cũng như khả năng thâm nhập thị trường của DN và sức mạnh của hàng Việt trên thế giới.

Trong năm ngành thủ sản lần đầu tiên xuất khẩu đạt mức 11 tỷ USD, đã về đích trước hẹn so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là đạt 10 tỷ USD vào năm 2025...

Phát triển DN có nhiều khởi sắc, đã có hơn 208 nghìn DN được thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng hơn 30% so với cùng kỳ, gấp 1,4 lần số DN rút khỏi thị trường.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 8%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, tăng 3,36% so với cùng kỳ, xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo và nhiều mặt hàng nông sản chủ lực khác với tổng kim ngạch hơn 53 tỷ USD. Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển sôi động trở lại, nhất là từ sau khi kiểm soát được dịch bệnh, tăng 19,8%.

Hành trang cho phát triển kinh tế năm mới

Động lực phát triển kinh tế năm 2023 khai thác tốt các cơ hội kinh tế gắn với việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cũng như từ mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Hàn Quốc và Mỹ - ASEAN, sự ấm áp hơn trong quan hệ Việt - Đức và với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Bên cạnh đó quyết liệt, hành động “gỡ thẻ vàng” của EU trong xuất khẩu ngành thủy sản sang châu Âu. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đưa ý kiến: Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 6,5%, tuy thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 nhưng vẫn là mục tiêu đầy thách thức.

Các động lực chính cho tăng trưởng kinh tế là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước mà còn khẳng định vị trí của Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Hành trang và động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 được duy trì trên nền tảng triển khai các chính sách kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế và hướng tới sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Tăng cường kiểm soát và lành mạnh hóa các thị trường trái phiếu DN, thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, thị trường lao động và thị trường năng lượng. thúc đẩy chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kiểm soát nợ xấu, nợ thuế và chi phí vốn của DN bên cạnh đó tăng cường thu hút FDI đầu tư mới, thúc đẩy liên kết và chuyển giao công nghệ giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước. Phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo...

Phân tích về xu hướng để phát triển kinh tế trong năm nay, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-tài chính cho rằng: Các áp lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tệ, tỉ giá hay giá nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023. Trên thực tế, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 12/2022, khi lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,33% so với tháng trước. Tuy nhiên, áp lực tăng giá điện, giá một số dịch vụ do Nhà nước kiểm soát trong năm 2023 sẽ lớn hơn so với năm ngoái. Nhưng tác động cụ thể còn phụ thuộc vào thời điểm và mức độ điều chỉnh giá của cơ quan quản lý.

Nhấn mạnh về những hạn chế cần khắc phục, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, năm 2022, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, việc điều hành xăng dầu còn lúng túng ở một số thời điểm, chưa vận hành trôi chảy theo thị trường. Trong năm nay, các Bộ, ngành cần khẩn trương tham gia sửa đổi Nghị định 95/2021 về quản lý xăng dầu một cách có chất lượng, cần theo hướng tập trung đầu mối để tiện lợi trong việc điều chỉnh giá bán.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn
Kinh tế Việt Nam 2023 đối mặt nhiều thách thức
Kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ trong năm 2023

Nguyễn Vũ – Hải Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.