Những điểm sáng đầu tư bất động sản trong năm 2023

Lạm phát tăng cao đi kèm với các dấu hiệu suy thoái kinh tế tại Mỹ và châu Âu đã và đang phủ lên bức tranh thị trường bất động sản (BĐS) toàn cầu gam màu ảm đạm. Tuy nhiên, tại một số thị trường tại châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam, câu chuyện phát triển và những điểm sáng của thị trường vẫn có thể tìm thấy.
Theo dự báo của VNREA, từ quý 2 năm sau, thị trường sẽ dần phục hồi và phát triển lành mạnh, minh bạch hơn
Theo dự báo của VNREA, từ quý 2 năm sau, thị trường sẽ dần phục hồi và phát triển lành mạnh, minh bạch hơn

Giá thuê và giá bán lẻ vẫn xu hướng tăng

Với triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ, sự đa dạng của các nền kinh tế cũng như sức hút tại một số TP, thị trường bất động sản châu Á vẫn cho thấy nhiều điểm tích cực. Theo Savills Prospects, 3 quốc gia có triển vọng nổi bật nhất trong khu vực hiện nay có thể kể đến Việt Nam, Singapore và Nhật Bản.

Theo Savills Propsects, các nền kinh tế châu Á mới nổi như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ được dự báo sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2023. Trong khi đó, những nền kinh tế phát triển như Úc và Nhật Bản cũng sẽ bỏ xa Mỹ và châu Âu một khoảng cách khi xét về câu chuyện phát triển kinh tế vào năm tới.

Sự cải thiện trong môi trường kinh doanh đi kèm những chính sách ưu đãi đầu tư từ Chính phủ đang thúc đẩy sự quan tâm của DN nước ngoài đối với thị trường BĐS Việt Nam. Trong khi một số nhà đầu tư trong nước gặp khó khăn do tín dụng bị thắt chặt, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào thị trường vẫn tiếp tục tăng trưởng. Ví dụ, trong đầu năm nay, CapitaLand của Singapore đã công bố kế hoạch phát triển dự án phức hợp tổng đầu tư 1 tỷ USD với quy mô 8ha, dự kiến cung cấp hơn 1,100 căn hộ và shophouse cao cấp tại TP HCM.

Tại thị trường cho thuê thương mại, dữ liệu của Savills trong quý 3/2022 cho thấy, giá thuê văn phòng và bán lẻ tại khu vực trung tâm TP Hà Nội và TP HCM vẫn ghi nhận xu hướng tăng. Nhận định về thị trường văn phòng tại Hà Nội vào năm 2023, bà Hoàng Nguyệt Minh - GĐ cấp cao, bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hà Nội cho biết, dù các DN thắt chặt chi phí văn phòng do ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô, nhưng nguồn cầu văn phòng phân khúc giá 25 - 30 USD (chưa bao gồm phí dịch vụ) sẽ tăng mạnh. Đối với BĐS công nghiệp, các DN sản xuất đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực này và logistics, nhằm đa dạng hóa hoạt động trong chiến lược “Trung Quốc + 1”.

Tín hiệu tích cực

Đưa ra nhận định về sức khỏe thị trường BĐS trong năm 2023, ông Khôi cho rằng, sang quý 2 và quý 3/2023, thị trường sẽ dần phục hồi. Trong đó, BĐS công nghiệp được kỳ vọng tiếp tục là “điểm sáng” của thị trường. Số liệu mới nhất từ Bộ Xây dựng, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cả nước ở mức 90%, giá thuê tăng 5% theo quý. Một số loại hình mới như BĐS công nghiệp may đo gồm nhà xưởng, nhà kho… còn ghi nhận tỷ lệ lấp đầy 95%, nâng vị thế cạnh tranh trực tiếp với các nước trong khu vực.

Trong thời điểm cuối năm 2022, thị trường BĐS Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài ở hầu hết mọi phân khúc. Kinh doanh BĐS là lĩnh vực đứng thứ hai thu hút được vốn đầu tư nước ngoài với hơn 3,5 tỷ USD trong 9 tháng, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong bối cảnh tín dụng hạn chế và thiếu vốn trên thị trường trong nước, sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như vốn nước ngoài vào thị trường trong năm 2023 dự báo vẫn tích cực khi Việt Nam nằm trong top các quốc gia thu hút vốn FDI tốt nhất khu vực trong năm 2022.

Theo dự báo của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), từ quý 2 năm sau, thị trường sẽ dần phục hồi và phát triển lành mạnh, minh bạch hơn khi những vướng mắc trên được tháo gỡ, môi trường pháp lý có nhiều bước tiến mới, tăng trưởng kinh tế khả quan... GS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết: Năm 2023, các luồng tiền vào thị trường BĐS cho thấy tín hiệu tích cực.

Luồng tiền thứ nhất là tín dụng năm 2023 sẽ tốt hơn năm nay nhờ quyết định nới thêm hạn mức tín dụng từ 1,5-2% cho ngân hàng thương mại để tạo đà giúp DN vận hành. Sang năm 2023 tín dụng chắc chắn không giảm. Luồng tiền thứ hai là chứng khoán có xu hướng tăng sẽ cung cấp một lượng tiền khổng lồ đi vào nền kinh tế và thị trường BĐS. Nếu chỉ tăng 25% thực sự rất tốt nhưng cũng có thể tăng lên đến 30%, 40% thậm chí 50%, vì khi đã xuất hiện đỉnh, khả năng vượt đỉnh có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, luồng tiền thứ ba là trái phiếu đang dần phục hồi. Năm 2023, còn một lượng trái phiếu đáo hạn nhưng nếu được phản ứng bằng những chính sách kịp thời, vấn đề sẽ được kiểm soát. Luồng tiền thứ tư là kiều hối vẫn ổn định. Việt Nam thuộc nhóm 10 nước nhận kiều hồi lớn nhất thế giới, trong đó ước tính 25% lượng kiều hối đầu tư vào BĐS nói chung. Luồng tiền thứ năm, là từ các nhà đầu tư tiềm năng không hạn chế với tâm lý “có tích lũy sẽ đầu tư đất đai, nhà ở”.

Ngoài ra, những luồng tiền còn lại bao gồm: Việc DN kinh doanh BĐS đã dần vượt qua thời điểm khó khăn; M&A tiếp tục tăng; nhiều nhà đầu tư chiến lược mới xuất hiện có thể xem như sếu đầu đàn làm thay đổi cục diện của một địa phương, một vùng kinh tế cũng ở mức ổn định… Đặc biệt, ông Chung cho rằng, năm 2023, luồng tiền đến từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài “vô cùng tươi sáng”. Vì hơn 200 đại diện cấp cao của các Cty đầu tư hàng đầu bình chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất, nhì trong nhóm các thị trường mới nổi, đồng thời lần đầu tiên Việt Nam lọt vào top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới.

TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, tiếp cận vốn là bài toán thách thức với cả DN và nhà đầu tư, thứ 2 là cơ cấu vốn cho bất động sản cũng chưa hợp lý, vốn trung hạn và dài hạn để ổn định phát triển thị trường cũng chưa có. Nguồn cung so với 2021 chỉ đạt 80% và so với 2018 chỉ đạt khoảng 24% trong khi cơ cấu sản phẩm cũng chưa hợp lý, phù hợp.
Nới room tín dụng cuối năm: Nhà đầu tư quan tâm thị trường bất động sản ven khu công nghiệp
Thị trường bất động sản vẫn có nhiều tiềm năng nhưng thiếu sự tự tin

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.