Có bao nhiêu thủ tục hành chính công đã sẵn sàng khi sổ hộ khẩu không còn giá trị?

Theo quy định của Luật Cư trú, từ ngày 1/1/2023, thì sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú đã được cấp sẽ không còn giá trị.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của Luật Cư trú, Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan có trách nhiệm “rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến SHK, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC)”.

Theo quy định của Luật Cư trú, từ ngày 1/1/2023, thì SHK, sổ tạm trú đã được cấp sẽ không còn giá trị

Theo quy định của Luật Cư trú, từ ngày 1/1/2023, thì SHK, sổ tạm trú đã được cấp sẽ không còn giá trị.

Đã hoàn thành đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu trên môi trường điện tử

Được biết đến nay, Bộ Công an đã tổ chức thu thập, cập nhật hơn 100 triệu dữ liệu dân cư (dữ liệu đã được “làm sạch” hơn 96%); thực hiện cấp hơn 70,2 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) được chính thức đưa vào vận hành khai thác từ ngày 1/7/2021 và đã sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông tin với các Cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành để phục vụ giải quyết các TTHC liên quan đến thông tin công dân.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng - Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an cho biết, qua một năm triển khai thực hiện Đề án 06, cơ quan chức năng đã hoàn thành đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử. Trong đó, một số dịch vụ có tỉ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao như xác nhận CMND 9 số tỉ lệ 100%; thông báo lưu trú 98,3%; thủ tục làm con dấu mới 90,8%; đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến đạt 93,1%, cấp hộ chiếu 62%,... Riêng ngành CA đã cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, nhiều nội dung rất thiết thực được người dân đón nhận như cấp hộ chiếu, đăng ký xe, các thủ tục về cư trú...

Hiện nay, cơ quan chức năng đang triển khai thí điểm thành công hai dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí tại Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Với hai dịch vụ công này, đã cắt giảm tối thiểu 9 loại giấy tờ và 6 trường hợp thông tin bị trùng lặp, người dân chỉ khai báo thông tin một lần để giải quyết ba TTHC, giảm thời gian giải quyết và giảm thời gian đi lại.

Cũng theo Cục C06, ứng dụng CCCD gắn chíp điện tử tích hợp thông tin thẻ BHYT phục vụ khám chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế trên toàn quốc đã tiết kiệm tiền in thẻ BHYT giấy 24,7 tỷ đồng so với năm 2021; tích hợp thông tin thẻ ATM phục vụ rút tiền tại cây ATM tiết kiệm chi phí in thẻ cho các tổ chức ngân hàng khoảng 50.000 đồng/thẻ, bảo đảm xác thực, đảm bảo chính xác danh tính, phòng chống rủi ro, gian lận...

Đến nay, CSDLQGVDC đã kết nối chính thức với 12 đơn vị Bộ, ngành, một DN Nhà nước (EVN), ba DN viễn thông và 35 địa phương. Tiếp nhận tổng 819,3 triệu yêu cầu tra cứu, xác thực, đồng bộ thông tin; trong đó 572,9 triệu yêu cầu có thông tin đúng khớp với CSDLQGVDC. Triển khai kết nối, làm sạch thông tin thuê bao di động của ba nhà mạng viễn thông là Viettel, Mobifone, Vinaphone với 66,9 triệu yêu cầu đối sánh.

Triển khai các giải pháp số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung (số hoá dữ liệu hộ tịch điện tử tại Thái Nguyên được 1,1 triệu bản ghi hộ tịch đạt 100%, giảm thời gian từ 3 năm xuống 50 ngày, tiết kiệm được 18 tỷ đồng), đến nay có 4 Bộ ngành đã triển khai số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung. CCCD gắp chip tích hợp thông tin thẻ ATM phục vụ rút tiền tại cây ATM giúp tiết kiệm chi phí in thẻ cho các tổ chức ngân hàng, đồng thời đảm bảo xác thực chính xác danh tính, phòng chống rủi ro, gian lận…

Vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Đối với các TTHC về đất đai thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc nộp SHK, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu về giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đã được rà soát, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nêu rõ Bộ đã có phương án xử lý. Trong đó, một số nội dung liên quan đã được xử lý tại Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số Điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Tại khoản 5 Điều 11 Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT đã quy định: “Đối với trường hợp nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận mà có yêu cầu thành phần là bản sao CMND hoặc giấy chứng minh quân đội hoặc thẻ CCCD hoặc SHK hoặc giấy tờ khác chứng minh nhân thân thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sử dụng dữ liệu từ CSDLQGVDC mà không yêu cầu người nộp hồ sơ phải nộp các giấy tờ này để chứng minh nhân thân trong trường hợp dữ liệu quốc gia về dân cư được chia sẻ và kết nối với dữ liệu của các ngành, các lĩnh vực (trong đó có lĩnh vực đất đai)” để hạn chế xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú khi người sử dụng đất thực hiện TTHC về đất đai theo quy định của Luật Cư trú, bảo đảm đẩy mạnh cải cách TTHC theo chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật Quốc hội để đánh giá khả năng thực thi của quy định nêu trên và đề ra các giải pháp xử lý vướng mắc nếu có trên thực tiễn, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện TTHC.

Việc cấp CCCD chưa được hoàn thành, tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID, đăng ký và kích hoạt định danh điện tử còn rất thấp và các yếu tố bảo đảm khác cho công tác triển khai quy định của Luật Cư trú. Do đó, các đại biểu đề nghị trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, các cơ quan trong phạm vi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương, tích cực cùng phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Bộ Công an chưa có chủ trương thu hồi sổ hộ khẩu giấy
Bỏ sổ hộ khẩu giấy, các thủ tục về đất đai sẽ thực hiện thế nào?
Hà Nội: 100% thủ tục hành chính đã được giải quyết theo cơ chế “một cửa”

Xuân Thanh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.