Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thực hiện quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương về ý nghĩa, tác động của công tác xây dựng, đánh giá tiếp cận pháp luật. Ngày càng có nhiều người dân được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, được tiếp cận pháp luật tốt hơn.
-	Người dân đến bộ phận một cửa phường Kim Giang, quận Thanh Xuân tra cứu thông tin TTHC bằng ma QR Code
Người dân đến bộ phận một cửa phường Kim Giang, quận Thanh Xuân tra cứu thông tin TTHC bằng ma QR Code

Triển khai nghiêm túc, minh bạch, dân chủ

Tại quận Bắc Từ Liêm, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Quận ủy-HĐND - UBND quận, ngay từ đầu năm, UBND các phường ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng và đánh giá phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tổ chức họp triển khai thực hiện công tác, phân công cho cán bộ, công chức các bộ phận chuyên môn theo chức năng nhiệm vụ các chỉ tiêu để thực hiện theo dõi, đánh giá, chấm điểm đối với từng tiêu chí, chỉ tiêu chuẩn tiếp cận pháp luật.

Theo bà Nguyễn Thị Tâm Luyến – Phó Trưởng phòng Tư pháp quận, UBND quận đã ban hành Kế hoạch số: 15/KH-UBND ngày 05/01/2021 về xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Kế hoạch số: 17/KH-UBND ngày 06/01/2022 về kiểm tra công tác xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Công văn số: 367/UBND-TP ngày 11/02/2022 về hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số: 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số: 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 để hướng dẫn UBND phường triển khai thực hiện việc xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định mới.

Việc triển khai đánh giá phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được Quận ủy-HĐND-UBND quận lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, bảo đảm công khai minh bạch, dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Tháng 01/2022, Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của quận đã họp, xem xét, đánh giá về kết quả tự chấm điểm đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của 13 phường thuộc quận.

Kết quả Hội đồng đánh giá của quận đã biểu quyết thông qua 13/13 phường thuộc quận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021. UBND quận đã ban hành 13 Quyết định công nhận phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021 đối với 13/13 phường thuộc quận.

Kinh phí dành cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật năm 2022: UBND quận đã bố trí kinh phí cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và công tác xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với số tiền: 719.301.000 đồng. Trong đó, UBND quận là: 410.751.000 đồng, UBND các phường là: 234.880.000 đồng.

“Quận tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định. Tổ chức đánh giá thực hiện nhiệm vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đánh giá, công nhận phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật”, bà Nguyễn Thị Tâm Luyến cho biết.

Những chuyển biến tích cực

Tại quận Thanh Xuân, việc xây dựng phường chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian qua đã tạo chuyển biến về nhận thức trong cán bộ lãnh đạo các phòng, ban, ngành của quận, UBND các phường. Từ đó có sự quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ và Nhân dân trên địa bàn.

UBND các phường đã có sự tập trung hơn trong chỉ đạo, điều hành, khắc phục các tồn tại, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, tạo chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực, giúp người dân được tiếp cận pháp luật tốt hơn. Theo kết quả đánh giá năm 2021 của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật quận Thanh Xuân, quận có 11/11 phường được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Theo Phó GĐ Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội, thời gian qua, nhận thức của các cấp chính quyền từ TP đến cơ sở về vị trí, vai trò tầm quan trọng xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã có chuyển biến tích cực. Năm 2021, các xã, phường, thị trấn công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn TP tương đối cao, với 557/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,2%.

Việc triển khai xây dựng và đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được UBND quận, huyện, thị xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, bảo đảm công khai minh bạch, dân chủ và đã dần đi vào nề nếp, thực chất hơn; các tài liệu kiểm chứng cơ bản đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP đã đề nghị các cơ quan, đơn vị từ TP đến cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ công nhận, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức quán triệt, tập huấn cho đội ngũ cán bộ công chức thực hiện nhiệm đánh giá, công nhận xã, phường, đạt chuẩn tiếp cận pháp luật... Ngoài ra, Ủy ban MTTQ TP và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức giám sát việc đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; phối hợp với UBND cùng cấp theo dõi, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Mục đích, ý nghĩa của xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Tiêu chí xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo hướng gọn nhẹ

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.