Cẩn trọng với sản phẩm “giá rẻ giật mình” trên mạng

Vừa qua, Cục Quản lý thị trường TP HCM đồng loạt kiểm tra 5 kho hàng ở huyện Bình Chánh.
Cơ quan chức năng kiểm tra xưởng sản xuất mỹ phẩm giả
Cơ quan chức năng kiểm tra xưởng sản xuất mỹ phẩm giả

Tại các địa điểm trên, lực lượng chức năng phát hiện nhiều tấn dung dịch màu trắng đựng trong các thùng nhựa màu xanh, một lượng lớn tem, nhãn mác, vỏ chai nhựa để làm giả dầu gội đầu của các thương hiệu nổi tiếng. Ngoài ra, trong các kho còn có một lượng lớn sản phẩm làm đẹp, giảm cân, kem dưỡng da dán các nhãn hiệu nổi tiếng khác nhau.

Chủ các kho hàng và xưởng sản xuất này là một người phụ nữ 40 tuổi, hiện chưa cung cấp được các thông tin về hàng hóa cũng như các giấy tờ hợp pháp khác. Bà này cho biết, xưởng của mình làm ra các sản phẩm “theo đơn đặt hàng” ở TP HCM và các tỉnh, bỏ mối cho các chợ, bán online trên Facebook, Zalo...

Theo Cục Quản lý thị trường, số lượng hàng hóa vi phạm ước tính vài chục tấn, lực lượng phải kiểm đếm mất nhiều ngày. Cục Nghiệp vụ đang phối hợp các cơ quan chức năng làm rõ sai phạm của những người liên quan.

Trước đó, Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Y LANG Dầu gội đầu Y Lang chí. Lý do thu hồi: Lô sản phẩm Y LANG Dầu gội đầu Y Lang chí nêu trên không đáp ứng yêu cầu chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm (chỉ tiêu tổng số vi sinh vật đếm được) theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm và Hiệp định mỹ phẩm ASEAN.

Trên thực tế, nhiều người có “đam mê” săn hàng giá rẻ trên mạng xã hội. Vừa qua, em tôi đặt mua dầu gội trên một trang bán hàng khá nổi tiếng với lượng người theo dõi rất đông. Tôi đã nghi ngờ khi em tôi “hân hoan” thông báo vừa săn được set hàng giá rẻ, chỉ với 200.000 đồng mà được một set gồm: 6 chai nước giặt và được tặng kèm 1 chai nước rửa bát, 1 chai sữa tắm, 1 chai dầu gội.

Sau khi nhận hàng, em tôi mở ra kiểm tra thì số lượng sản phẩm đủ nhưng chất lượng rất tệ. Tất cả các sản phẩm đều loãng toẹt và chỉ “chạy qua” mùi hương. Cả gia đình không ai dám dùng các sản phẩm như vậy nên đành vứt bỏ. Em tôi tự an ủi rằng: “Dù sao cũng chỉ tổn thất có 200.000 đồng thôi mà”. Tôi nghĩ khác, đây là hành vi gian lận thương mại. Liệu có bao nhiêu người đã bị lừa đảo như gia đình tôi? Nếu ai cũng ngậm ngùi im lặng vì bị lừa số tiền 200.000 đồng thì trang bán hàng gian lận đó sẽ còn tiếp tục tồn tại đến bao giờ?

Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để bóc trần các đường dây làm hàng giả. Đặc biệt, lực lượng an ninh mạng cần truy xét các trang bán hàng gian lận thương mại để buộc họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì hành vi lừa đảo khách hàng. Người tiêu dùng cần thận trọng trước các chiêu trò “bán rẻ như cho” quảng cáo tràn lan các sản phẩm kém chất lượng trên mạng xã hội.

Cẩn trọng với các hội nhóm mua bán chứng khoán trên mạng xã hội
Ham rẻ, nhiều người “bất chấp” mua bánh trung thu trôi nổi trên mạng
Cẩn trọng khi mua xe ô tô giá rẻ

Tường Vy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.