Vụ tài xế xe tải gây tai nạn khiến thai phụ cùng 2 con nhỏ tử vong:

Xác định trách nhiệm bồi thường ra sao?

Theo luật sư, hành vi của tài xế có yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Ngoài ra, tùy thuộc kết quả xác định yếu tố lỗi, người này phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.
Hiện trường vụ việc
Hiện trường vụ việc

Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có báo cáo gửi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm một phụ nữ mang thai 7 tháng và 2 người con nhỏ tử vong.

Theo đó, vào khoảng 8h50 ngày 26/11, tài xế Nguyễn Vũ, SN 1991, trú tại phường Thủy Châu, thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế điều khiển xe ô tô tải ben BKS 75H - 005. 21 lưu thông trên đường Văn Tiến Dũng vào vòng xuyến rẽ phải vào đường Võ Nguyên Giáp hướng đến đường Hoàng Quốc Việt, TP Huế.

Khi đến địa điểm trên thì xe tải va chạm vào xe máy BKS 75G1 - 304.19 do chị Ngô Thị Thanh H, SN 1990, trú tại 469 Nguyễn Tất Thành, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thuỷ điều khiển trên xe chở 2 con nhỏ đi trước cùng chiều.

Vụ tai nạn khiến 3 mẹ con chị H ngã xuống đường và bị cuốn vào gầm xe tải, tử vong tại chỗ. Thời điểm gặp nạn, chị H đang mang bầu đứa con trai 7 tháng tuổi. Sau khi tai nạn xảy ra, CA tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt tạm giam tài xế Nguyễn Vũ để điều tra làm rõ.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi về vụ việc này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là sự việc hết sức thương tâm, nạn nhân là một thai phụ và 2 cháu nhỏ cùng trong một gia đình, vụ việc việc có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan chức năng bắt tạm giam tài xế xe tải để thực hiện các hoạt động tố tụng là đúng quy định pháp luật.

Theo luật sư Nguyên, trong vụ án này, CQĐT sẽ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trích xuất dữ liệu camera khu vực hiện trường, thu thập lời khai của người chứng kiến…để xác định nguyên nhân xảy ra va chạm dẫn đến hậu quả 3 người thiệt mạng.

Trường hợp xác định, tài xế xe tải có một phần lỗi hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về tài xế do thiếu quan sát, chạy quá tốc độ, sử dụng chất kích thích, giấy phép lái xe không đúng quy định… tài xế này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 BLHS năm 2015.

Nếu xác định tài xế có lỗi, với hậu quả khiến 3 người thiệt mạng, khung hình phạt mà tài xế này có thể sẽ phải đối mặt từ 7 đến 15 năm tù. Ngoài ra, tài xế xe tải còn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Khoản bồi thường gồm chi phí hợp lý cho việc mai tang, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, thiệt hại khác do luật quy định.

Luật sư Nguyên phân tích thêm, chủ thể của tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” là những người tham gia giao thông đường bộ gồm: người điều khiển phương tiện giao thông, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển, dẫn, dắt súc vật, người đi bộ trên đường bộ. Trong đó người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Theo quy định pháp luật, khách thể của tội này là sự an toàn của hoạt động giao thông đường bộ và sự an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác.Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là hành vi nguy hiểm cho xã hội trực tiếp xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và gây thiệt hại tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác.

Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, là những quy định mà người tham gia giao thông phải chấp hành, để tránh gây thiệt hại cho người khác, có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc về tài sản.

Về trách nhiệm dân sự, luật sư Nguyên cho rằng, cơ quan chức năng sẽ thực nghiệm lại hiện trường, đánh giá yếu tố lỗi để từ đó xác định trách nhiệm bồi thường của các bên trong trường hợp này. Nếu xác định lỗi trong vụ tai nạn giao thông hoàn toàn thuộc về tài xế Dương, người này có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho các nạn nhân theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015. Chi phí bồi thường gồm các khoản như: Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho cha mẹ, vợ chồng, con cái nạn nhân.

Ngoài ra, người có lỗi phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không được quá 100 lần mức lương cơ sở, tức 149 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu xác định nguyên nhân vụ tai nạn giao thông là do lỗi hỗn hợp, tức có phần lỗi của nạn nhân trong đó, tài xế vẫn sẽ phải bồi thường cho nạn nhân. Tuy nhiên, tài xế khi đó sẽ chỉ phải bồi thường đối với phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Trách nhiệm khi xảy ra va chạm giao thông
Vữa trần nhà rơi khiến 2 học sinh bị thương: Trách nhiệm?
Trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

Quốc Doanh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.